![]() |
Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là bước đột phá trong công cuộc đổi mới giáo dục nghề nghiệp |
Kết quả sau gần 10 năm triển khai thực hiện cơ chế tự chủ cho thấy, các đơn vị đã chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng kinh phí; các nguồn lực đã được sử dụng hiệu quả hơn, khai thác nguồn để tăng thu, tiết kiệm chi góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dạy nghề… Việc đổi mới cơ chế giúp cho chất lượng đào tạo nghề những năm gần đây đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Các trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả các giải pháp đào tạo gắn với doanh nghiệp. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và đúng nghề đào tạo với thu nhập cao ngày càng khả quan. Năm 2015 có tới 80% học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau học nghề theo đúng chuyên ngành; các trường nghề cả nước đã tuyển sinh được 1.979.199 người (đạt 92,1% so với kế hoạch).
Tuy nhiên, các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề đang đứng trước một số khó khăn, bất cập khi đăng ký và thực hiện cơ chế tự chủ. Nguyên nhân chính là do tâm lý học sinh, sinh viên và gia đình không muốn học nghề; nguồn thu học phí thấp, nếu thu cao sẽ không có người vào học nghề; đội ngũ cán bộ, học sinh, sinh viên có tay nghề nhưng lại chưa có cơ chế và chính sách khuyến khích đủ mạnh để tăng nhanh nguồn thu này.
Theo các chuyên gia, để khuyến khích triển khai hiệu quả cơ chế tự chủ, nhà nước cần cho phép các đơn vị được góp vốn, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực dạy nghề; kết hợp với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn… Trường hợp thành lập cơ sở hạch toán độc lập, đơn vị phải xây dựng đề án báo cáo cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt; tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư.
Về nguồn vốn đầu tư: Đối với dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện, đơn vị được huy động vốn theo phương thức trả lãi với lãi suất thỏa thuận tối đa không quá 150% mức lãi suất cơ bản theo quy định. Đối với dự án đã được cấp phê duyệt và đang được ngân sách nhà nước bố trí vốn, đơn vị được đầu tư theo kế hoạch. Đối với dự án đã sử dụng các nguồn vốn theo quy định nhưng không đáp ứng được tiến độ dự án, đơn vị được vay vốn tín dụng của ngân hàng để đầu tư nhằm sớm đưa dự án, công trình vào sử dụng...
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ ưu đãi về thuế như: miễn thuế đối với phần thu nhập không chia mà để lại để đầu tư phát triển đơn vị sự nghiệp công; miễn thuế đối với lợi nhuận thu được từ sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ hoạt động đào tạo; miễn lệ phí trước bạ đối với việc chuyển tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của các đơn vị sự nghiệp công khi liên doanh liên kết; được giảm thuế thu nhập cá nhân...
Hiện nay cả nước có 973 cơ sở dạy nghề công lập (148 trường cao đẳng nghề, 178 trường trung cấp nghề và 653 trung tâm dạy nghề). Từ năm 2006 đến nay, các cơ sở dạy nghề đã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. |