Đã có thời điểm, khâu nón là nghề làm giàu của người dân làng Chuông. Nhưng đến nay, cảnh mua bán tấp nập tại mỗi phiên chợ Chuông chỉ còn trong ký ức của những người già trong làng. Thay đổi về thị hiếu, đặc biệt là sự lấn át của sản phẩm công nghiệp khiến nón lá dần mất đi sự ưa chuộng. Làng nón hiện chuyển dần sang sản xuất mặt hàng khác như lồng chim… Đáng nói, số người tại làng nghề còn khâu được nón quai thao – sản phẩm đặc biệt khó chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và thất truyền bí quyết làm loại nón này là tương lai không xa.
![]() |
Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá |
Bị đào thải khi không đáp ứng nhu cầu là quy luật tất yếu của thị trường, tuy nhiên với các làng nghề, sản phẩm không chỉ mang tính hàng hóa mà còn lưu giữ yếu tố văn hóa, phản ánh từng giai đoạn phát triển của xã hội. Do vậy, ông Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - cho rằng, việc bảo tồn các sản phẩm cũng như kỹ năng chế tạo sản phẩm làng nghề rất cần thiết.
Trên thực tế, một số làng nghề cũng như tổ chức, cá nhân đã hình thành các bảo tàng tư nhân nhằm lưu giữ hình ảnh, hiện vật cũng như những câu chuyện qua từng giai đoạn phát triển của làng nghề. Có thể kể đến, Bảo tàng Gốm cổ (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội), Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), Bảo tàng nghề Y truyền thống Hội An (TP. Hội An)…
Tuy nhiên, hầu hết các bảo tàng tư nhân đều mang tính tự phát; được xây dựng trên cơ sở đóng góp của cá nhân và nhân dân trong làng nghề với năng lực tài chính có hạn nên cơ sở vật chất thiếu thốn, khả năng bảo quản hiện vật không cao. Hơn nữa, do không được đầu tư thích đáng, chưa tổ chức được nhiều hoạt động dịch vụ hấp dẫn, nên nguồn thu của các bảo tàng tư nhân khá eo hẹp.
Chia sẻ về những khó khăn này, bà Lê Thị Minh Hằng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bán hàng và Chăm sóc khách hàng - bày tỏ: Việc thành lập bảo tàng tư nhân vốn không đơn giản, bởi đó không chỉ là quá trình tích lũy thời gian, kinh tế và trí lực để có được hiện vật quý, mà còn là quá trình duy trì và phát triển hoạt động của bảo tàng.
Bà Hằng đề xuất, mô hình bảo tàng thông minh là sự kết hợp hoàn hảo giữa bảo tàng tư nhân với nhu cầu của doanh nghiệp, có mục tiêu thu hút khách du lịch. Với sự ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thuyết minh tự động, phim 3D, phòng tương tác giữa người xem với hiện vật giúp không gian bảo tàng không bị bó hẹp mà sinh động hấp dẫn hơn. Công nghệ số còn tạo mối liên hệ trực tiếp giữa hiện vật được trưng bày với bối cảnh phục dựng, giúp người xem dễ hiểu được "đời sống" trước đó của hiện vật. Quan trọng là khách thăm quan có thu nhận hữu ích và nhiều nhất khi khám phá quá khứ được lưu giữ tại các bảo tàng thông minh, kết hợp với mua sắm, từ đó tăng doanh thu cho bảo tàng.
Có thể thấy, bảo tàng thông minh là một gợi ý tốt nhằm khắc phục những khó khăn cho bảo tàng tư nhân tại các làng nghề hiện nay. Tuy nhiên, để tránh lãng phí không nên phát triển bảo tàng thông minh một cách dàn trải, mà thu gọn thành hệ thống bảo tàng chuyên đề, kết hợp với du lịch để trở thành sản phẩm hấp dẫn du khách.
Bảo tàng thông minh với sự giúp sức của khoa học - công nghệ không chỉ lưu giữ tốt nhất hình ảnh của hiện vật là sản phẩm của làng nghề mà còn có khả năng tái hiện quá trình chế tác và bối cảnh xã hội liên quan đến sản phẩm. |