Bảo đảm cung cầu đường trong nước

Dự thảo Báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước gửi Thủ tướng Chính phủ đưa ra kiến nghị điều tiết nhập khẩu (NK) đường và kiểm soát chặt đường nhập lậu, nhằm bảo đảm cung cầu đường trong nước, bảo đảm lợi ích cho người trồng mía khi niên vụ sản xuất mía đường 2014 - 2015 vừa kết thúc.

\"\"

Đảm bảo giá đường trong nước hợp lý

Sản xuất giảm - tồn kho cao

Theo Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), niên vụ sản xuất 2014 - 2015, các nhà máy đường trên cả nước ép được 14.410.600 tấn mía, sản xuất được 1.416.980 tấn đường. So với niên vụ 2013 - 2014, lượng mía các nhà máy ép giảm 1.637.600 tấn, lượng đường sản xuất giảm 173.490 tấn và thấp hơn kế hoạch dự kiến ban đầu 180.000 tấn.

Tổ Điều hành thị trường trong nước cho biết, ngoài tiêu thụ nội địa thì lượng đường xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược - Lào Cai 6 tháng đầu năm 2015 được khoảng 60.000 tấn. Tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, thời điểm này, XK đường qua Lào Cai lại đang “tắc” do phía Trung Quốc “siết” quản lý NK tiểu ngạch. Tiêu thụ đường trong nước và XK vẫn đang gặp khó khăn. Tính đến ngày 15/6/2015, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 389.440 tấn, giảm so với cùng kỳ năm 2014 là 169.500 tấn.

Điều tiết… nhập khẩu

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tồn kho sẽ giảm dần trong tháng 7. Tuy nhiên, đường nhập lậu vào Việt Nam vẫn chưa thể kiểm soát có hiệu quả. Bên cạnh đó, 50.000 tấn đường NK từ Lào của Hoàng Anh Gia Lai đã về Việt Nam, 81.000 tấn đường NK năm 2015 theo hạn ngạch cam kết với WTO cũng sẽ được Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT thống nhất phân giao cho các đơn vị sản xuất và thương mại trong nước (dự kiến tháng 8) sẽ là những áp lực cạnh tranh lớn đối với đường nội. Trong khi giá đường trong nước đang giảm nhưng vẫn cao hơn đường NK.

Để bảo đảm cung cầu đường trong nước, hỗ trợ sản xuất, bảo đảm lợi ích cho người trồng mía, trong Dự thảo báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước gửi Thủ tướng Chính phủ có kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để điều tiết việc NK đường theo hạn ngạch thuế quan hợp lý, nhằm bảo đảm hài hòa nguồn cung đường trong nước trong những tháng giáp vụ; phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đường nhập lậu.

Tại cuộc họp bàn về cơ chế điều hành NK đường theo hạn ngạch thuế quan do Văn phòng Chính phủ tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận sẽ cho áp dụng cơ chế đấu thầu hạn ngạch NK đường theo cam kết WTO. Theo đó, các bộ, ngành liên quan phải xây dựng cơ chế đấu thầu NK đường để áp dụng cho năm 2016. Riêng trong năm 2015, vì thời gian chưa chuẩn bị kịp nên vẫn áp dụng phương thức phân giao nhưng sẽ tăng lượng đường thô NK cao hơn so với năm 2014.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá bán buôn đường kính trắng trong nước cuối tháng 6 khoảng trên dưới 14.000 đ/kg, so với đầu tháng 6 giảm khoảng 400 - 500 đ/kg (tại TP. Hồ Chí Minh); giảm khoảng 800 - 1.100 đ/kg (tại Hà Nội và miền Trung).
Lan Ngọc
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận