AEC- sức ép cho du lịch Việt Nam

Ở khu vực ASEAN, khách du lịch nội vùng chiếm gần 1/2 lượng khách. Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cuối năm nay được xem là cơ hội mới cho tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, với ngành du lịch, sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng mạnh mẽ.

\"\"

Du lịch Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức

Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 điểm đến du lịch hàng đầu khu vực, nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và 3 nước đứng đầu là Malaixia, Thái Lan, Singapore còn rất xa. Và mặc dù tỷ lệ thu hút khách đến Việt Nam từ Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga, Nhật Bản khá tương đồng với khu vực nhưng mức chi tiêu du lịch từ các thị trường này đến Việt Nam vẫn chưa cao.

Sắp tới, nguy cơ khó thu hút nguồn khách tiềm năng này của du lịch Việt Nam sẽ càng gia tăng hơn khi Cộng đồng AEC thành lập. Bởi các nước trong khối không những có bề dày về năng lực phát triển du lịch, mà đều có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Vì vậy, cùng với tốc độ phát triển du lịch vượt trội, các nước trong khu vực đang tạo ra một sức ép rất lớn cho du lịch Việt Nam. Ông Trần Quốc Khánh- Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao - cho rằng, khi AEC thành lập, nếu các nhà cung cấp dịch vụ du lịch Việt Nam không nâng cao chất lượng, bảo đảm mức giá phù hợp với thị trường thì rất khó cạnh tranh. Mặt khác, AEC thành lập hệ thống tiêu chuẩn chung về nghề và dịch vụ du lịch trong ASEAN sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong nghiên cứu, xây dựng. Nhưng xuất phát điểm thấp, việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này lại không hề đơn giản đối với ngành du lịch trong nước.

Ngoài ra, tự do di chuyển lao động có tay nghề sẽ tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước ASEAN và ngược lại, nếu lao động trong nước không nâng cao trình độ chuyên môn thì sẽ thua ngay trên sân nhà. Doanh nghiệp trong nước không đổi mới để giữ chân lao động thì sẽ mất nguồn chất xám có kỹ năng; chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng bị suy giảm. Còn hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ASEAN sẽ như một điểm đến chung với nhiều loại hình du lịch đa dạng. Cho nên, nếu không nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, năng lực truyền thông, du lịch Việt Nam cũng khó đủ sức cạnh tranh với các nước.

Trước những thách thức trên, muốn khẳng định vị thế với các nước trong khu vực bắt buộc ngành du lịch phải có bước chuyển biến mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, chất lượng dịch vụ, tài chính, nhân lực.

Nhận thức vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết, hiện ngành du lịch đang tăng cường triển khai các giải pháp cấp bách như: Thực hiện chính sách thị thực của Chính phủ, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để tăng cường nguồn lực cho công tác quảng bá, xúc tiến; hạn chế yếu kém về môi trường an ninh du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch cao cấp, phù hợp để mở rộng thị trường; tập trung thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất du lịch theo hướng hiện đại, đồng bộ; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu thị trường. Ngành ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng; phát huy thế mạnh mạng lưới cơ quan đại diện, đẩy mạnh nghiên cứu, thông tin về các xu thế phát triển du lịch trên thế giới và khu vực, tìm hiểu và phổ biến kinh nghiệm quốc tế sản phẩm, dịch vụ; tham mưu về quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư…

Du lịch là 1 trong 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết trong AEC và là 1 trong 8 ngành nghề được thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương nội khối. Đây sẽ là nền tảng để tăng cường chuyển dịch lao động trong ngành du lịch giữa các nước trong khối, cân bằng cung - cầu với các nghề du lịch.
Hoa Quỳnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận