Tọa đàm được tổ chức là cơ hội thảo luận các vấn đề công nghệ thông tin - viễn thông và xây dựng phát triển hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, nhận định các cơ hội và thách thức tiềm năng và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đặc biệt, tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ những nhóm vấn đề chính: Phát triển 5G và các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và vai trò của hệ sinh thái; chính sách hỗ trợ ngành viễn thông hướng tới 5G…
Phát triển hạ tầng số - điều kiện tiên quyết bắt kịp “con tàu” 4.0
Phát biểu khai mạc tọa đàm, tiến sĩ Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của đời sống và xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử, song cũng đầy thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Đảng và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển công nghệ thông tin (CNTT), đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng thời cơ của cách mạng công nghiệp 4.0.
![]() |
Tiến sĩ Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi tọa đàm |
Ban Kinh tế Trung ương đã được Bộ Chính trị giao chủ trì phối hợp với các ban, Bộ, ngành xây dựng Đề án quốc gia về “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam”, dự kiến hoàn thành vào quý IV năm 2018. Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 16 với nhiều giải pháp quan trọng về phát triển hạ tầng CNTT; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Các Bộ, ngành và địa phương tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%). Đặc biệt, đến nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G với hơn 4.000 trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số (đứng thứ 5 ở châu Á - Thái Bình Dương) và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Đây là một nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nắm bắt nhanh chóng những thành tựu công nghệ mới.
Tiến sĩ Cao Đức Phát cho rằng, vấn đề xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số hiện nay đối với Việt Nam là cuộc chạy đua nước rút, chứ không phải là cuộc chạy đường dài marathon. Bởi lẽ, điều này quyết định đến sự thành công mục tiêu thực thi Chính phủ điện tử, nền kinh tế số hay nói cách khác Việt Nam có bắt kịp con tàu 4.0 hay không, thì điều kiện tiên quyết là phải phát triển hạ tầng số. Bởi nếu như công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng, thì mạng 5G chính là xương sống của kết nối hạ tầng ấy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, có thể giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật” - tiến sĩ Cao Đức Phát nhấn mạnh và cho rằng, với 5G, các nhà khai thác viễn thông sẽ có thể cung cấp các dịch vụ mạng chuyên biệt cho một loạt các đối tác công nghiệp mới: từ lĩnh vực ô tô, đường sắt, sức khỏe hay năng lượng.
“Cuộc đua” vào công nghệ 5G
Công nghệ 5G đang được những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới nhìn nhận như là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương tiện để chiếm lĩnh vị thế trung tâm công nghệ của thế giới và giành được ưu thế trong kinh tế thế giới ở thế kỷ 21. Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2035, 5G có thể góp phần vào ngành kinh tế số trị giá 12.000 tỷ USD.
![]() |
Theo tiến sĩ Cao Đức Phát, tại Mỹ, Trung Quốc hay các quốc gia khác đang diễn ra cuộc đua giành vị trí tiên phong, trở thành người xác lập, kiểm soát mô hình, tạo dựng kiến trúc và thiết kế nền tảng hoạt động của mạng di động 5G. Đơn cử như Trung Quốc đã có lộ trình kêu gọi chi tới 400 tỷ USD tới năm 2020 để phát triển hạ tầng cho 5G bên cạnh việc nghiên cứu phát triển và Chính phủ nước này đưa ra các lộ trình nhanh chóng phân bổ tần số vô tuyến cho các nhà mạng.
“Để làm chủ được công nghệ của tương lai, chúng ta phải thực hiện các bước chuẩn bị từ ngay hôm nay” - TS.Cao Đức Phát nói và cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang khuyến khích phát triển hạ tầng băng thông rộng và hạ tầng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.
Là một tập đoàn hàng đầu thế giới về phát triển và thương mại hóa công nghệ di động, bao gồm cả 4G và 5G, bà Susie Armstrong - Phó Chủ tịch cấp cao về công nghệ của Qualcomm đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thúc đẩy triển khai công nghệ 5G vào năm 2020, đồng thời, đề xuất Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, thân thiện để có thể triển khai nhanh, trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi đầu tiên triển khai hệ sinh thái 5G. “Qualcomm luôn nỗ lực đồng hành và hợp tác cùng các doanh nghiệp trong nước để phát triển hệ sinh thái 5G nói riêng và hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước nói chung” - bà Susie Armstrong khẳng định.
Cũng tại tọa đàm, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề cao vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, là những doanh nghiệp áp dụng công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới để đưa những sản phẩm tốt nhất, mới nhất ra thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không thể đứng vững khi đứng một mình. Việc xây dựng định hướng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên 5G cũng là một động lực quan trọng, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Với góc nhìn của một doanh nhân, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bkav đã nói về đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị điện thoại di động, với nhận định tại Việt Nam, chỉ cần 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn đóng vai trò đầu tàu, từ đó kéo theo hàng ngàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất để có thể thay thế các doanh nghiệp ngoại.