Vườn hồ tiêu... mất tiêu!

Giá cao su liên tục tụt dốc thê thảm, giá hồ tiêu leo thang đến chóng mặt, khiến hàng loạt vườn cao su tiểu điền ở Tây Nguyên bị chặt bỏ, thay vào đó là những vườn hồ tiêu được hối hả trồng mới.
\"\"
Ảnh minh họa

Trên địa bàn Gia Lai, tại nhiều huyện không phải là nơi trồng hồ tiêu truyền thống, nông dân vẫn chặt bỏ cao su để trồng hồ tiêu.

Tại Đắk Lắk, nông dân cũng “nhiệt tình” loại bỏ “vàng trắng” để chuyển đổi sang cây trồng khác, trong đó có hồ tiêu. Riêng tại huyện Ea H’leo, diện tích cao su đã giảm trên 1.000 ha. Không ít vườn cao su tiểu điền đến thời điểm thu hoạch nhưng chủ vườn vẫn không cạo mủ, bởi... càng cạo càng lỗ.

Trong năm 2015, Đắk Nông có gần 2.000ha cao su bị chặt phá. Giữa năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đã khuyến cáo nông dân không chặt cao su để mở rộng diện tích hồ tiêu. Khuyến cáo kệ khuyến cáo, cao su vẫn bị chặt bỏ, hồ tiêu vẫn được ồ ạt trồng mới...

Những năm gần đây, hạt tiêu được thị trường trong nước và quốc tế tiêu thụ khá mạnh, giá liên tục tăng cao. Có thời điểm giá tiêu trên thị trường trong nước đạt đỉnh 200.000 đồng/kg tiêu loại 1, không ít nông dân thu nhập tiền tỷ, đời sống người dân được cải thiện đáng kể... Vì thế, hồ tiêu có sức hấp dẫn mạnh mẽ nông dân Tây Nguyên.

Thế nhưng cái gì cũng có hai mặt. Mặt trái của việc hăm hở trồng hồ tiêu tự phát, trồng trên những vùng đất không phù hợp, không chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng giống không rõ nguồn gốc... là sâu, bệnh hại ngoài tầm kiểm soát, hậu quả khôn lường. Hãy xem “vương quốc hồ tiêu” Gia Lai bị sâu bệnh tàn phá như thế nào.

Gia Lai có diện tích hồ tiêu lớn, chất lượng hồ tiêu dẫn đầu cả nước. Nhiều vựa hồ tiêu như Chư Sê, Chư Pưh... “tiếng thơm” bay xa đến nhiều quốc gia trên thế giới. Hồ tiêu tạo nên nhiều “tỷ phú vườn”. Tất yếu, diện tích hồ tiêu không ngừng gia tăng. Theo tầm nhìn đến năm 2020, Gia Lai chỉ có 6.000ha hồ tiêu. Song hiện tại, theo báo cáo ngày 16/5/2016 của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đã vượt ngưỡng 15.000ha. Ác nỗi, trong đó có khoảng 9.100ha bị nhiễm sâu bệnh hại, như: Bệnh vàng lá thối rễ tơ 3.129ha, bệnh thối gốc thối thân (chết nhanh) 649ha, bệnh tuyến trùng rễ 2.960ha, bệnh rệp sáp gốc 1.300ha, bệnh đốm đen mặt dưới lá 760ha...

Không nói tới thị trường hồ tiêu rất có thể có những biến động khôn lường, chỉ riêng sâu bệnh hại đã biến không ít “giấc mơ tỷ phú” thành... những đêm mất ngủ của nông dân Tây Nguyên vì những vườn hồ tiêu... mất tiêu!

Trần Phương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận