![]() |
Đồng bào vui đón Tết Độc lập |
Ngày hội sum họp, đoàn tụ
Theo tư liệu, trước Cách mạng tháng Tám có đôi trai gái người Mông (Mộc Châu, Sơn La) yêu nhau say đắm, nhưng vì chế độ thực dân phong kiến hà khắc, họ không lấy được nhau. Sau Cách mạng tháng Tám, nhờ có Đảng, có Bác cuộc sống của người dân đã đổi thay. Và đôi trai gái ngày ấy giờ đã thành ông, thành bà gặp được nhau trong ngày hội Tết Độc lập. Họ mừng lắm, kể cho nhau nghe những đổi thay ở bản làng mình, hẹn năm nào cũng gặp nhau trong ngày hội Tết Độc lập 2/9.
Từ đó trở đi, đồng bào Mông ở Sơn La quan niệm Tết Độc lập 2/9 là ngày sum họp, đoàn tụ. Đây là nét đẹp văn hóa có một không hai của vùng đất núi rừng Tây Bắc. Đến nay, Tết Độc lập không chỉ riêng của đồng bào Mông ở Sơn La, mà đã trở thành ngày hội lớn của đại đa số các đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi phía Bắc, trong đó chủ yếu là người Mông.
Dẫu đã trải qua nhiều cái Tết Độc lập nhưng niềm háo hức, mong chờ của bà con dường như vẫn y nguyên như cái tết đầu tiên. Bởi vì Tết Độc lập là sự liên kết giữa các cộng đồng người Mông của các vùng miền khác nhau, là dịp để họ cởi mở tấm lòng, giao lưu tình cảm. Đặc biệt, đây là ngày để họ tưởng nhớ đến công lao của Bác Hồ và kỷ niệm ngày giành độc lập, khai sinh nước Việt Nam mới của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong đó có dân tộc Mông.
Xuống núi giao thương, hò hẹn
Tết Độc lập vì thế được bà con người Mông coi là một trong hai cái Tết quan trọng nhất, ý nghĩa nhất. Chuẩn bị đón Tết Độc lập, khắp bản làng rẻo cao đâu đâu cũng rực rỡ cờ, hoa. Thị trấn Mường Chà cũng được tô đẹp hơn bởi những sắc màu trang phục của đồng bào các dân tộc. Bà con người Mông từ người già đến con trẻ ai ai cũng sống trong niềm vui, náo nức. Phụ nữ miệt mài, chăm chỉ cày bừa, thêu thùa chuẩn bị cho mình bộ váy rực rỡ, cầu kỳ nhất. Còn đàn ông tranh thủ làm lụng việc nhà, gom góp tiền để đưa vợ con đi chơi hội. Không chỉ bà con người Mông ở Mộc Châu, ở vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa), đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Khơ Mú… cũng kéo về thị trấn để vui Tết Độc lập.
Trong ngày Tết Độc lập, các địa phương luôn quán triệt tinh thần tổ chức ngày hội phù hợp và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bà con dân tộc Mông thường mang xuống chợ Tết các sản vật thổ cẩm, hàng hóa nông sản để trao đổi, tiêu thụ; trưng bày, trình diễn các dụng cụ dệt váy bằng lanh, dụng cụ để làm đặc sản bánh dày. Đặc biệt, các địa phương còn mở hội chợ thương mại, hàng tiêu dùng bán hàng Việt chất lượng cao để bà con tham gia mua sắm. Bên cạnh hoạt động giao thương, ngày Tết Độc lập của đồng bào Mông còn có các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống với các trò chơi dân gian: Kéo co, bắn nỏ, rồng ấp trứng, ném còn, ném pao…
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông hay còn gọi là Tết Độc lập của đồng bào Mông ban đầu là tự phát, nay đã thành thông lệ hàng năm. Rõ ràng cái được lớn nhất là niềm vui, hạnh phúc của bà con các dân tộc, nét đẹp trong văn hóa dân tộc Mông đang được phát huy, bảo tồn và tôn vinh.