Theo số liệu của Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh có 178 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) với hơn 74.000 công nhân, lao động (CNLĐ), trong đó, có 153 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Công đoàn các KCN tỉnh quản lý trực tiếp 109 công đoàn cơ sở (CĐCS) thuộc DN FDI với hơn 63.670 CNLĐ, trong đó, có gần 43.200 lao động nữ. Việc làm của đoàn viên, người lao động (NLĐ) ổn định, thu nhập bình quân gần 4.900.000 đồng/người/tháng. Thực tế hiện nay, vai trò của tổ chức công đoàn trong các DN FDI đã dần được khẳng định, tạo được vị thế và sự tin tưởng của NLĐ cũng như chủ DN.
![]() |
Công đoàn trong các DN FDI đã dần khẳng định, tạo được vị thế và sự tin tưởng của NLĐ |
Với vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi của NLĐ, tham mưu cùng Ban Giám đốc trong phát triển DN, Công đoàn Công ty TNHH công nghệ Hiệp Nguyên đã phối hợp với Ban Giám đốc công ty ban hành quy trình giải quyết thư góp ý, đặt hòm thư góp ý trong công ty. Hàng ngày tổng hợp ý kiến, giải quyết theo quy trình; kết quả giải quyết thư góp ý được thông báo trên bảng tin của công ty, thể hiện quyền dân chủ, công khai tại DN. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước thường xuyên được tổ chức, do đó, tại DN không xảy ra tình trạng đình công, đơn thư vượt cấp.
Ông Lin Bei Xian - Phó giám đốc công ty - cho biết, cái khó của DN nước ngoài khi sử dụng lao động người Việt Nam là phong cách làm việc và sự khác biệt trong văn hóa. Tuy nhiên, tổ chức công đoàn đã hỗ trợ cho Ban Giám đốc công ty trong việc hiểu và kết nối nhiều hơn với NLĐ. Nhiều giải pháp được áp dụng không chỉ làm lợi cho DN mà còn giúp ổn định và nâng cao đời sống cán bộ, CNLĐ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh - khẳng định, hoạt động của CĐCS trong các DN FDI trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Công đoàn đã chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; nắm bắt kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, phản ánh với chính quyền và người sử dụng lao động để giải quyết. Đặc biệt, CĐCS đã tham mưu với chủ DN để cùng thực hiện tốt các chính sách theo quy định của pháp luật về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện an toàn vệ sinh lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi cùng nhiều chính sách đãi ngộ, khen thưởng kịp thời, nhằm khuyến khích NLĐ làm việc, gắn bó với DN.
Tuy nhiên, công tác xây dựng tổ chức CĐCS và phát triển đoàn viên trong các DN FDI cũng gặp phải khó khăn nhất định. Đội ngũ cán bộ CĐCS tại các DN đa phần là kiêm nhiệm, chủ yếu là công nhân trực tiếp sản xuất, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế; việc tuyên truyền chưa được thường xuyên nên chủ DN và NLĐ chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của tổ chức công đoàn
"Thời gian tới, Công đoàn các KCN tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để NLĐ hiểu và tham gia tổ chức công đoàn ngay khi được tuyển dụng; tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS tại DN theo hướng có sự tham gia tích cực của NLĐ... Qua đó, xây dựng tổ chức công đoàn trong các DN FDI thực sự vững mạnh, trở thành điểm tựa vững chắc cho NLĐ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh" - ông Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ.
|