Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã đi rất xa, để lại lòng tiếc thương vô hạn cho gia đình, bầu bạn, đồng nghiệp và rất nhiều người yêu quý ông; để lại sự nghiệp đồ sộ ít ai có được trong cuộc đời với nghề làm mỏ, làm báo, viết văn ...
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm quê ở Quảng Bình, là học viên khóa đầu tiên của trường Trung cấp Cơ điện Mỏ (1959 – 1962). Ra trường, ông làm việc tại Mỏ than Cọc Sáu, Quảng Ninh. Tại đây, ông vừa làm cán bộ cơ điện mỏ, vừa viết báo, viết văn. Cuối những năm 1980, ông đề xuất lập Trung tâm Truyền hình Than Cẩm Phả với trang thiết bị hiện đại, cùng nghệ sỹ Trần Cẩm đảm nhận nhiệm vụ sản xuất chính. Thời còn Tổng công ty Than Việt Nam, ông về Hà Nội làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Than cho đến khi nghỉ hưu.
![]() |
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm |
Tuy không sinh ra ở đất mỏ nhưng cuộc đời ông lại gắn bó với vùng than và nổi tiếng bởi những tác phẩm báo chí thời sự, những tác phẩm văn học để đời. Ít ai biết ông có hoa tay nghề cơ điện. Thời bao cấp đồng lương ít ỏi, ông “kiếm thêm” bằng hoa tay của mình. Không biết đã có bao nhiêu xe máy, tủ lạnh, máy thu hình, radio cát set đã được ông sửa chữa, nâng cấp…
Cuộc đời ông gắn bó với vùng mỏ Quảng Ninh. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Quảng Ninh. Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Ông không phải là đảng viên, nhưng là người có thái độ chính trị rất rõ ràng, yêu nước, trọng dân; là người đa tài, sống với thợ Mỏ, vùng Mỏ, ngành Than cả cuộc đời bằng tấm lòng chung thuỷ, tin yêu.
Trong nghề làm báo, viết văn, ông luôn bênh vực những người yếu thế và đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu. Điều đó làm cho ông được kính trọng, được yêu mến và nổi tiếng, không chỉ ở vùng Mỏ, trong nước mà cả quốc tế bằng giải thưởng văn học Asean.
Tôi biết nhà văn Võ Khắc Nghiêm từ những năm 1978 - 1980, thân với ông từ năm 1981. Chính ông đã dạy cho tôi và tôi đã học được ở ông rất nhiều điều tốt đẹp. Ông cũng là người đã giúp tôi lúc tôi gặp khó khăn. Một trong những điều đó tôi đã viết trong “Tình yêu ở lại” (NXB Dân Trí năm 2015). Không chỉ tôi, mà vợ con tôi cũng yêu quý, kinh trọng ông và gia đình ông.
Sáng thứ hai, 26/9/2022, tôi đến thăm ông tại nhà riêng. Ông nằm thở ô xy, quyển sách mới tinh “Nguyễn Thị Lộ chính danh” tập 2 để bên cạnh, phía đầu giường. Tôi nói, ông hiểu và đáp lại bằng cách lấy bút viết lên bảng xoá: “Sinh - Lão - Bệnh - Tử”; và dòng cuối cùng, ông mượn bút nói với tôi: “Quê hương là số 1”, khi tôi chúc ông chóng khoẻ để còn giúp tôi đọc bản thảo sách viết về quê hương.
Người thợ cơ điện mỏ năng động - nhà báo - nhà văn - nhà biên kịch Võ Khắc Nghiêm. Người đồng nghiệp - người bạn rất đáng tự hào của thợ Mỏ ngành Than - người đàn anh của tôi đã rời cõi tạm về cõi vĩnh hằng theo quy luật đời người.
Mong ông siêu thoát và an nghỉ ngàn thu!
Những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của Nhà văn Võ Khắc Nghiêm: – Xung đột âm thầm (truyện ngắn, 1986); – 16 tấn vàng (tiểu thuyết, 1989); – Đại dương trong mắt em (tiểu thuyết, 1990); – Người cha tội lỗi (tiểu thuyết, 1990); – Người tình 15 năm (tiểu thuyết, 1990); – Cướp ngày (tiểu thuyết, 1989); – Nhân danh công lý (kịch, 1985); – Bi kịch ngược chiều (kịch, 1988); – Quy luật muôn đời (kịch, 1991); – Bỉ vỏ (kịch, 1990); – Tình yêu hai quá khứ (kịch, 1990);… – Mảnh đời của Huệ (tiểu thuyết và kịch bản phim truyện); – Chân dung tình yêu, – Tìm lại chính mình (1995-1996); – Giới hạn của hạnh phúc (tiểu thuyết, 1997); – Chân dung tình yêu (tiểu thuyết, 1997); – Mạnh hơn công lý (tiểu thuyết, 2000); – Phúc hoạ đời người (truyện ngắn, 2004); – Huyết thống (tiểu thuyết, 2004); – Chiều sâu ngược sáng, – Điếm quan (tiểu thuyết, 2010). |