![]() |
Ảnh: Quang Hưng |
Giấy Bãi Bằng - thương hiệu nổi tiếng
Ngày 1/2/2005, VINAPACO chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Theo đó, Công ty mẹ - VINAPACO được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty Giấy Bãi Bằng. Năng lực sản xuất của VINAPACO đạt gần 200 nghìn tấn bột giấy/năm và 300 nghìn tấn giấy/năm, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, môi trường đạt tiêu chuẩn quốc gia. Sản xuất - kinh doanh của VINAPACO là quá trình khép kín từ khâu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gỗ đến khâu sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm giấy. Do vậy, ảnh hưởng của VINAPACO không chỉ riêng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động, xóa đói giảm nghèo cho nông dân miền núi.
Bên cạnh đó, VINAPACO luôn thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội, người lao động. Giấy Bãi Bằng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, đạt giải Sao Vàng đất Việt, hàng Việt Nam chất lượng cao. Sản phẩm Giấy Bãi Bằng ngày càng được nâng cao chất lượng, mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Từ khu công nghiệp Giấy Bãi Bằng, diện mạo thị trấn Phong Châu và đời sống người dân vùng lân cận huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ ngày càng khởi sắc.
Đối mặt với khó khăn
Những năm gần đây, VINAPACO đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là dây chuyền thiết bị đã lạc hậu do đầu tư từ những năm 1970, tiêu hao năng lượng, vật tư nguyên liệu lớn, chi phí bảo dưỡng tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ giấy in, giấy viết ngày càng giảm, lại phải cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong nước (nhất là ở dòng sản phẩm giấy in, viết nhập khẩu). Trong khi hiệu quả sản xuất - kinh doanh của VINAPACO chưa cao, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt thấp, tình hình tài chính của VINAPACO rất khó khăn.
Để nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, Đảng ủy VINAPACO đã chỉ đạo Hội đồng thành viên tập trung đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, phát triển vùng nguyên liệu tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên nhằm cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy giấy. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà nhiều dự án đầu tư bị chậm tiến độ. Một số dự án đã phải dừng đầu tư như Dự án mở rộng Nhà máy Giấy Bãi Bằng giai đoạn 2, Nhà máy giấy và bột giấy Thanh Hóa…Việc dừng đầu tư một số dự án lớn không chỉ khiến VINAPACO gặp khó khăn về tài chính mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Đặc biệt, khối lâm nghiệp vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thiếu vốn sản xuất do các dự án vay vốn trồng rừng nguyên liệu giấy được giải ngân quá chậm và sự bất cập về chu kỳ vay do phải trả nợ lãi vay hàng tháng, không được hưởng theo cơ chế cho vay tại Văn bản số 416/TTg-KTTH ngày 11/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ “trả nợ gốc và lãi một lần sau khi khai thác rừng và không tính lãi gộp”. Để duy trì sản xuất, VINAPACO phải dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư cho dự án trồng rừng năm 2011 tại Phú Thọ, năm 2014 tại Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang chưa được vay vốn. Nhiều dự án đã phải huy động vốn trong dân hoặc vay thương mại với lãi suất cao. Tình trạng xâm lấn đất, khai thác rừng trái phép vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng nguyên liệu giấy. Điển hình là Công ty Nguyên liệu Giấy miền Nam đang quản lý 8.762,44 ha rừng thông ba lá nằm trên địa bàn 33 xã, thị trấn của tỉnh Kon Tum. Hiện công ty còn 2.617,6 ha quỹ đất trống có khả năng trồng rừng nhưng do không được lập dự án vay vốn trồng mới nên chỉ triển khai trồng rừng ở một số hiện trường theo hình thức liên doanh liên kết, giao khoán cho các hộ gia đình (theo Nghị định 135 của Chính phủ). Năm 2015, công ty đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu không được tiếp tục vay vốn đầu tư quản lý bảo vệ rừng thêm 5 đến 15 năm nữa, kéo dài thời gian sinh trưởng của rừng. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các công ty nguyên liệu giấy của VINAPACO.
Tiêu thụ sản phẩm cũng là lĩnh vực vô cùng khó khăn, năm 2014, sản phẩm giấy của VINAPACO tiêu thụ chậm do thị trường và nhu cầu giấy in, giấy viết, giấy tissue giảm, đồng thời phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm giấy nhập ngoại đang liên tục giảm giá để mở rộng thị trường tại Việt Nam. Mặt khác, dây chuyền thiết bị đã quá cũ, tiêu hao vật tư cao, hay xảy ra hỏng hóc làm tăng thời gian dừng máy và tỷ lệ phế phẩm ở mức cao… Ngoài ra, khó khăn trong việc xuất khẩu dăm mảnh, sản xuất - kinh doanh tại một số công ty liên kết, đơn vị hạch toán phụ thuộc đã ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất - kinh doanh chung của tổng công ty.
Nỗ lực vượt khó
Để khắc phục khó khăn, Đảng ủy VINAPACO đã lãnh đạo, chỉ đạo Hội đồng thành viên, Ban điều hành huy động mọi nguồn lực, tìm mọi giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh. VINAPACO đã phải thường xuyên linh hoạt điều chỉnh giá bán cũng như công suất sản xuất giấy in, viết cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Mặc dù kết quả không cao nhưng sản xuất - kinh doanh hàng năm vẫn có sự tăng trưởng so với các năm trước. Đây là kết quả nỗ lực của toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động trong tổng công ty.
Mục tiêu tổng quát của VINAPACO giai đoạn 2016-2020 Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 9,8%/năm. Tăng trưởng doanh thu 9,2%/năm. Tăng trưởng lợi nhuận đạt 6,5%/năm. Tăng trưởng nộp ngân sách đạt 5,5%/năm. Trồng rừng mới đạt bình quân 3.500 ha/năm. |
Theo dự báo, năm 2015, với việc thực thi các hiệp định thương mại tại Việt Nam, ngành giấy sẽ phải chịu nhiều tác động, điển hình là dòng sản phẩm in, viết sẽ tăng trưởng chậm do phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực như: Indonesia, Thái Lan, Singapore… Để sản xuất - kinh doanh hiệu quả, đồng thời thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp theo đúng tiến độ được phê duyệt, những năm tới, Đảng ủy VINAPACO tiếp tục chỉ đạo tổng công ty quyết tâm giành lại vị thế tại thị trường trong nước, tập trung phát triển hệ thống tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm giấy in, giấy viết, giấy tissue, tích cực nghiên cứu phát triển thị trường, xây dựng chính sách, cơ chế bán hàng linh hoạt, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, giảm hàng tồn kho.
Đặc biệt năm 2015, VINAPACO sẽ triển khai quyết liệt quá trình cổ phần hóa tổng công ty và thực hiện thoái vốn tại các công ty liên kết theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành dự án đầu tư xưởng chế biến gỗ tại Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam và triển khai xây dựng Nhà máy chế biến gỗ tại Bãi Bằng vào quý II/2015. Giai đoạn 2016-2020, VINAPACO sẽ thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất giấy bao bì; tiếp tục các dự án trồng rừng nguyên liệu; cải tạo nâng cấp các hạng mục dây chuyền sản xuất giấy tại Bãi Bằng. Đầu tư lò hơi thu hồi và lò hơi động lực thay thế lò hơi cũ sắp hết hạn sử dụng. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 dự kiến 3.920 tỷ đồng (trong đó vốn tự có là 1.040 tỷ đồng; vốn ngân sách và tín dụng 565 tỷ đồng; vốn vay và các nguồn khác 2.315 tỷ đồng). Tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Với những kết quả, thành tích đã đạt được, với truyền thống đoàn kết, quyết tâm đổi mới toàn diện, CBCNV VINAPACO sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng Tổng công ty Giấy Việt Nam phát triển vững chắc, góp phần thúc đẩy sự nghiệp CNH- HĐH đất nước.