Đầu năm các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép trong hoạt độngTăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể tiệm cận mức 6%WB: Triển vọng Việt Nam tích cực vào năm 2021, dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% |
Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,5%, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với Quốc hội giao. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đầu tháng 2/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trường hợp dịch khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 01. Với mức suy giảm này, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng các quý sau theo Nghị quyết 01, tăng trưởng cả năm 2021 ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (6%), nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (6,5%).
![]() |
Xuất khẩu là 1 trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong 2 tháng năm 2021, với kim ngạch xuất khẩu tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước |
Trước đó, theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 4 và cả năm 2020, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã dự báo, với điều kiện Covid-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 - 5,8%. Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19, đặc biệt với biến thể mới, diễn biến phức tạp ở trong nước khiến hoạt động kinh tế nội địa bị gián đoạn, thì năm 2021 có thể không đạt được mức tăng trưởng của năm 2020. VEPR dự báo ở kịch bản bất lợi xoay quanh mức 1,8 - 2,0%.
Riêng với tăng trưởng kinh tế quý I, TS. Nguyễn Đức Thành - nhà sáng lập, cố vấn trưởng VEPR - cho rằng, quý I/2021 tăng trưởng như dự báo 4,46% là rất khó. Bởi quý I/2020 dịch bệnh chưa ảnh hưởng nhiều, dịp Tết Nguyên đán mọi hoạt động kinh tế xã hội vẫn vận hành trong điều kiện bình thường. Trong khi đó, quý I năm nay bị ảnh hưởng ngay từ đầu khi Tết Nguyên đán, khiến mọi thứ đều giảm.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những kịch bản giả định. Thực tế, 2 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song về cơ bản, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình và cũng đã không xảy ra đứt gãy cả cung và cầu như một năm trước. Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn tích cực.
Tháng 3 là tháng cuối cùng của quý I, là tháng phải tập trung và tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, đặt mục tiêu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quý I và của cả năm. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước hết cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời khẩn trương ban hành hướng dẫn, quy trình thống nhất về sản xuất, lưu thông hàng hóa, phương tiện giữa vùng có dịch và không có dịch; có biện pháp hỗ trợ phân phối, tiêu thụ hàng hóa an toàn dịch bệnh, đặc biệt với các hàng hóa nông sản, có thời gian bảo quản ngắn.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Mặt khác, tập trung hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển thị trường trong nước; phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu …
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng lưu ý những “giải pháp khác biệt” mà Việt Nam cần thực hiện. Đó là làm sao đưa các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy các ngành nghề mới phát triển, chứ không chỉ là chính sách hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ khẳng định lại mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5% như Nghị quyết của Chính phủ đã báo cáo. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 để giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó. |