Việt Nam có được hưởng lợi hay không

Trước tình hình "thương chiến" Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang, nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc đã cân nhắc chuyển sang Đông Nam Á để tránh ảnh hưởng của thuế cao hơn đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất sang thị trường Mỹ. Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích cho các nhà đầu tư đang muốn "chạy trốn" chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc và mối đe dọa về thuế quan.
\"viet
Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích cho các nhà đầu tư

Nhà kinh tế trưởng Adam McCarty của Mekong Economics tại Hà Nội đã nhận định: Cuộc chiến thương mại đang đẩy nhanh xu hướng dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc vì lo sợ chi phí đắt đỏ hơn. Thật khó để nói, có bao nhiêu nhà máy mới sẽ đến Việt Nam nếu không có chiến tranh thương mại. Đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là sản xuất công nghiệp nhẹ, sử dụng nhiều lao động, đã bùng nổ kể từ năm ngoái. Theo số liệu công bố từ tháng 4, các khoản đầu tư mới được đăng ký tại Việt Nam đã tăng 81% và các khoản góp vốn được sử dụng để tài trợ cho cơ sở mới, tăng tới 215%. Xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng 28,8% trong năm 2019 so với năm ngoái.

Xu hướng này được dự đoán sẽ giữ đà tăng trong quý III và quý IV năm nay, khi các nhà máy mới thành lập bắt đầu hoạt động. Các chuyên gia cũng cảnh báo, mạng lưới cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động và nhà cung cấp địa phương của Việt Nam đều đang bị đẩy đến giới hạn, khi đầu tư tiếp tục tăng lên tại các trung tâm sản xuất truyền thống quanh khu vực TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ngày 10/5, Mỹ đã tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, đánh dấu sự leo thang sau nhiều tháng đình chiến giữa hai nước, gây lo ngại rằng, một cuộc chiến thương mại có thể tiếp tục dù có đạt được thỏa thuận hay không. Các nhà phân tích cho rằng, nếu cuộc chiến thương mại tiếp diễn, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi (?), mặc dù một số giao dịch với Trung Quốc có thể bị tác động. Các trường hợp ngoại lệ với công ty Việt Nam là nhà cung cấp thuê ngoài cho hoạt động lắp ráp tại Trung Quốc, có thể chịu tổn thất. Ông Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu Dragon Capital tại Hà Nội - cũng cho biết, trong khi đầu tư sẽ tiếp tục chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, với quy mô dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người, sẽ đặt ra giới hạn vào khả năng hấp thụ dòng chảy vốn.

Trung Quốc đã và đang tiếp tục là cường quốc sản xuất lớn nhất thế giới, nhưng sự lan tỏa cận biên từ Trung Quốc sang các nước khác, đặc biệt Việt Nam đang gia tăng. Số liệu đầu tư chính thức nước ngoài của Việt Nam có thể chững lại, hoặc thậm chí giảm dần, so với tốc độ tăng trưởng nhanh, thâm dụng vốn trong đầu tư trực tiếp nước ngoài trong vài năm qua. Nếu bỏ cuộc chiến thương mại sang một bên, Việt Nam đã có thể thu hút đầu tư để sản xuất điện thoại di động, chất bán dẫn và màn hình phẳng từ các công ty như Samsung. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 7% trong năm 2018 - mức tăng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua, được thúc đẩy phần lớn bởi 19 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện tại, Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng sản xuất từ Trung Quốc, có thể không cần nhiều vốn, vì vậy, có thể sử dụng nhiều lao động hơn, nhưng trong tương lai gần, có thể sẽ không thấy sự gia tăng lớn về số liệu FDI vào Việt Nam.

Xu hướng này phù hợp với một nghiên cứu mới của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) khi đánh giá tác động của việc tăng thuế thương mại, đã khẳng định với quy mô kinh tế lớn của Mỹ và Trung Quốc nên thuế quan được áp đặt chắc chắn sẽ có những tác động đáng kể đối với thương mại quốc tế. Đồng thời, UNCTAD nhấn mạnh, thuế quan song phương sẽ ít có vai trò giúp đỡ các công ty trong nước ở thị trường tương ứng. Mặc dù không hiệu quả lắm trong việc bảo vệ doanh nghiệp nhà nước, nhưng thuế quan song phương là công cụ rất hợp lý để hạn chế thương mại từ quốc gia mục tiêu. Hiệu ứng của thuế quan Mỹ - Trung sẽ chủ yếu là gây méo mó. Thương mại song phương Mỹ - Trung sẽ suy giảm và thay thế bằng thương mại có nguồn gốc từ các nước khác. Nghiên cứu ước tính rằng, trong số 250 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc chịu thuế quan của Mỹ, khoảng 82% thuộc các công ty ở các quốc gia khác, khoảng 12% sẽ thuộc các công ty Trung Quốc và chỉ khoảng 6% thuộc công ty Mỹ. Tương tự, trong số khoảng 85 tỷ USD xuất khẩu của Mỹ chịu thuế quan của Trung Quốc, khoảng 85% thuộc các công ty ở nước khác, công ty Mỹ sẽ giữ lại dưới 10%, trong khi công ty Trung Quốc sẽ chỉ chiếm khoảng 5%. Kết quả này thể hiện giữa các lĩnh vực khác nhau, từ máy móc đến sản phẩm gỗ và đồ nội thất, thiết bị truyền thông, hóa chất…

Các quốc gia được dự kiến sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ căng thẳng Mỹ - Trung là những quốc gia cạnh tranh hơn và có năng lực kinh tế để thay thế các công ty Mỹ và Trung Quốc. Xuất khẩu của Liên minh châu Âu được coi là những nước có khả năng tăng mạnh nhất, chiếm khoảng 70 tỷ USD thương mại song phương Mỹ - Trung (50 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và 20 tỷ USD xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc). Nhật Bản, Mexico và Canada sẽ thu được hơn 20 tỷ USD. Mặc dù những con số này không đại diện cho một phần lớn thương mại toàn cầu - trị giá khoảng 17.000 tỷ USD trong năm 2017 - đối với nhiều quốc gia, họ chiếm một phần đáng kể trong xuất khẩu. Ví dụ, khoảng 27 tỷ USD thương mại Mỹ - Trung sẽ bị Mexico chiếm giữ đại diện cho một phần không đáng kể trong tổng xuất khẩu của Mexico (khoảng 6%). Những tác động đáng kể liên quan đến quy mô xuất khẩu cũng được dự kiến đối với Australia, Brazil, Ấn Độ, Philippines, Pakistan và Việt Nam. Trong thế giới \"phẳng\" và có sự liên quan đa chiều như hiện nay, động thái trả đũa thuế quan giữa các cường quốc kinh tế có thể sẽ có hiệu ứng domino vượt ra ngoài các quốc gia và lĩnh vực được nhắm mục tiêu. Thuế quan tăng lên không chỉ trừng phạt nhà lắp ráp sản phẩm, mà cả nhà cung cấp dọc theo chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Ví dụ, khối lượng xuất khẩu lớn của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ có thể sẽ tác động mạnh nhất đến các chuỗi giá trị Đông Á, mà UNCTAD ước tính rằng khoảng 160 tỷ USD.

Đến nay, nhiều nhà kinh tế trong và ngoài nước cho rằng, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Xét theo logic của vấn đề, điều này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc dịch chuyển cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam hoàn toàn không đơn giản và cũng không phải trong một thời gian ngắn, có hạn định. Bên cạnh đó, cần phải tính tới các yếu tố cạnh tranh trong nội khối ASEAN và một số nước châu Á khác, vốn đa phần có hạ tầng cũng như các khung pháp lý hoàn chỉnh hơn Việt Nam. Vì vậy, các chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam cần sớm rà soát để nhìn nhận, đánh giá rõ về khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, năng lực hấp thụ vốn đang ở ngưỡng nào. Từ những tính toán, hoạch định cụ thể mới có cơ sở để xây dựng chiến lược của riêng mình nhằm thích ứng tốt nhất với những biến động của kinh tế thế giới, mà \"chiến tranh thương mại\" Mỹ - Trung là một ví dụ cụ thể.

Những tín hiệu tích cực vừa qua đối với kinh tế Việt Nam khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, dù có - chỉ nên được xem là yếu tố tham khảo. Vì để đạt mục tiêu trở thành lựa chọn mới của các nhà đầu tư thay thế Trung Quốc là một câu chuyện dài, nếu không thận trọng sẽ kéo theo những hệ lụy chưa thể lường hết.
Việt Dũng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận