Đây là lần thứ sáu VIB nhận giải thưởng từ IFC trong khuôn khổ chương trình tài trợ thương mại toàn cầu (Global Trade Finance Program – GTFP).
![]() |
Ông Hàn Ngọc Vũ – Tổng Giám đốc VIB nhận giải thưởng từ đại diện IFC |
Năm 2021, tổng doanh số giải ngân cho VIB thông qua bảo lãnh của IFC trong GTFP đạt trên 242 triệu USD, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Với mức tăng trưởng ấn tượng này, VIB được IFC đánh giá là ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất trong hoạt động tài trợ thương mại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Không chỉ có vậy, VIB còn được ghi nhận về sự chuyên nghiệp trong nghiệp vụ tài trợ thương mại với quy trình xử lý nhanh gọn, chính xác.
Bà Amy Luinstra, QuyềnGiám đốc quốc gia cấp cao khu vực Lào, Việt Nam, Campuchia của IFC cho biết: “Tiếp cận nguồn tài chính luôn là một vấn đề khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi, trong khi đó lại là nền tảng cho hệ thống thương mại toàn cầu. Đó là lý do tại sao IFC bắt đầu Chương trình tài trợ Thương mại Toàn cầu vào năm 2005 và mở rộng sang các chương trình tài trợ thương mại và hàng hóa khác từ năm 2009. IFC đánh giá cao sự tăng trưởng nhanh chóng, tính sáng tạo và chuyên nghiệp của VIB trong việc triển khai chương trình những năm vừa qua. Chúng tôi tin tưởng rằng nguồn hỗ trợ từ IFC cộng với năng lực triển khai của các ngân hàng như VIB sẽ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam vượt qua khó khăn và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.”
Tham gia vào mạng lưới ngân hàng của GTFP từ năm 2011, VIB hiện kết nối với hơn 6.300 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng đại lý tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngân hàng đã triển khai hoạt động tài trợ hiệu quả cho hàng trăm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cho biết: “Với hạn mức ban đầu là 5 triệu USD vào năm 2011, đến nay hạn mứctài trợ thương mạicủa VIB trong GTFP là 144 triệu USD – hạn mức lớn nhất trong các ngân hàng Việt Nam. Với hạn mức từ chương trình, ngân hàng đã tăng cường năng lực tài trợ, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiếp cận nguồn tài chính và giải quyết khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra trong hai năm vừa qua. Trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tài trợ thương mại, nâng cao năng lực phục vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu dựa trên kỳ vọng nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau đại dịch”.