![]() |
Huy động điện dầu để đáp ứng nhu cầu phụ tải cao |
Thiếu và mất cân đối nguồn
Theo báo cáo của Trung tâm điều độ Quốc gia, tính đến ngày 20/11/2018, tổng công suất đặt của hệ thống điện Quốc gia khoảng 48.700 MW. Trong đó, thủy điện chiếm khoảng 41%, nhiệt điện than khoảng 37%, tuabin khí khoảng 15%, các nguồn khác khoảng 7%.
Năm 2019, nguồn điện của cả nước đạt khoảng 53.000 MW, trong đó có gần 5.000 MW điện tái tạo, phần lớn là điện mặt trời.
Phân bố nguồn điện lại không đều, các thuỷ điện chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung, ở khu vực miền Nam chủ yếu là nhiệt điện khí và than, năng lượng tái tạo tập trung cục bộ ở khu vực Nam miền Trung.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng điện ở miền Nam lại rất lớn, chiếm trên 50% của cả nước. Điều này gây áp lực lớn cho lưới điện truyền tải 500kV Bắc Nam.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, khô hạn xuất hiện với tần suất nhiều hơn dẫn đến nhu cầu điện tăng rất cao, đặc biệt là mùa hè.
Trên thực tế, nhiều dự án điện lớn trong quy hoạch điện VII đang bị chậm từ 2-3 năm so với kế hoạch gây khó khăn cho việc cân đối cung cầu điện cho năm 2019-2020 và các năm tiếp theo. Nhiều dự án lưới điện truyền tải giải phóng công suất các nhà máy điện, trong đó có điện mặt trời lại gặp khó khăn do giải phóng mặt bằng và thời gian thi công lâu hơn so với công trình điện mặt trời. Nhưng, dù có giải phóng hết công suất thì điện năng lượng tái tạo cũng chỉ là phần bổ sung không đáng kể và chỉ đáp ứng 1 phần nhu cầu điện vì tính phụ thuộc vào thời tiết của nó.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cho phát điện như than, khí ngày càng khan hiếm và phải nhập khẩu. Chi phí khai thác than, khí ngày càng tăng cao do trữ lượng không tập trung và nhiều yếu tố khác.
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là điện, Bộ Công Thương đã nhiều lần báo cáo và lên tiếng về tình trạng thực hiện Quy hoạch điện VII, cảnh báo nguy cơ thiếu điện và triển khai nhiều chương trình, giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Buộc phải huy động điện dầu
Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội, sinh hoạt của nhân dân với chỉ đạo của Chính phủ “không để thiếu điện”, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện nhiều giải pháp, liên tục cập nhật, tính toán để cân đối cung cầu; Tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện chậm tiến độ; Đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện trong công nghiệp và sinh hoạt; Hợp tác quốc tế để tìm thêm nguồn tài chính cho hệ thống điện; Đề xuất các giải pháp xây dựng nguồn và lưới điện mới, trong đó có điện năng lượng tái tạo; Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp năng lượng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Than khoáng sản…tăng cường các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho đất nước. Trên thực tế, đến thời điểm này đã đảm bảo đủ điện, đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Trong các kịch bản cung ứng điện từng năm và cho từng giai đoạn, Bộ Công Thương đều dự báo nhu cầu cụ thể cho từng vùng, từ đó có phương án huy động các nguồn cụ thể từ thuỷ điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu và nguồn năng lượng tái tạo bổ sung.
Tuy nhiên, do những khó khăn nêu trên, (đặc biệt là thuỷ điện phải thực hiện 2 nhiệm vụ sản xuất và cung cấp nước cho hạ du, dự trữ cho mùa khô năm sau theo quy định), để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã phải huy động cao nguồn nhiệt điện than cùng với nguồn điện chạy dầu. Chỉ tính trong tháng 10/2019, tổng sản lượng nhiệt điện dầu đã phải huy động khoảng 400 triệu kWh. Dự kiến cả năm sẽ huy động khoảng 2,57 tỷ kWh. Với giá điện khoảng 4.000 đồng/1 kWh, sẽ phải tiêu tốn khoảng 10.200 tỷ đồng. Dù biết là tốn kém chi phí, song nếu không huy động điện chạy dầu thì không đủ điện để đáp ứng nhu cầu.
Con số này có thể còn cao hơn nếu nguồn nước cho thuỷ điện không được cải thiện, các dự án truyền tải giải toả công suất cho nguồn năng lượng tái tạo vẫn bị chậm chễ do không giải quyết dứt điểm công tác đền bù giải phóng mặt bằng; Nhà nước không sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án điện đã hoàn thành tới trên 80% như Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1...