Vì sao hoa Đà Lạt không xuất khẩu được sang Australia?

Trước thông tin về việc người trồng hoa ở Đà Lạt và các huyện lân cận của tỉnh Lâm Đồng lâm vào cảnh điêu đứng vì không xuất khẩu được hoa đi Australia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) có quy định cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa Glyphosate; ngày 14/7, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN & PTNT) đã có cuộc trả lời phóng viên báo chí xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, hiện có thông tin hàng vạn cành hoa Đà Lạt xuất khẩu sang Australia buộc phải tiêu hủy do vướng Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT, phía Cục có nhận được thông tin này hay không?

Trước tiên, cần nhấn mạnh quy định này là không mới. Theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam có hiệu lực thi hành và Thông tư số 06/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT sửa đổi, bổ sung Điều 2 của Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT, các thuốc BVTV chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán sử dụng đến hết ngày 30/6/2021.

Trong 2 năm vừa qua, chúng ta cũng không cho phép nhập khẩu loại hoạt chất này vào thị trường Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cũng không nhập khẩu mà chỉ sử dụng các hoạt chất đã nhập khẩu từ trước đó.

Gia đình ông Lê Mỹ Thành (phường 7, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) có 7.000m2 nhà kính trồng hoa cúc để liên kết xuất khẩu hoa sang Australia. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Liên quan đến thông tin một số lô hoa cắt cành của Công ty TNHH Dalat Hasfarm (Dalat Hasfarm) và các nông hộ trồng hoa xuất khẩu địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) phải tiêu hủy do không xuất khẩu sang Australia được. Xin nói rõ là các quy định, thông tư liên quan đến các vấn đề này đã được phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV và doanh nghiệp phân phối. Việc này được triển khai công khai minh bạch cả 2 năm nay, chứ không phải đến nay mới thông tin chính thức.

3 tháng trước thời điểm 30/6, Cục BVTV đã có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp sử dụng thuốc này để họ chủ động có kế hoạch với quy định này của Bộ. Như vậy, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động và Bộ đã làm theo lộ trình theo đúng thông lệ quốc tế và khoa học đảm bảo đủ thời gian để doanh nghiệp thích ứng với các quy định của Bộ, chứ không thể nói rằng bảo cấm là cấm hay gây bất ngờ cho doanh nghiệp.

Trong thời gian vừa qua, Cục BVTV và Bộ NN & PTNT liên tục có các văn bản trả lời và thông báo cho Dalat Hasfaerm, đoàn Đại biểu quốc hội Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội hoa tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp trên địa bàn về vấn đề này một cách rõ ràng.

Bản thân tôi đã làm việc với Dalat Hasfarm, cho đến thời bây giờ việc loại bỏ hoạt chất này là đương nhiên và tới đây các doanh nghiệp muốn sử dụng thì cũng không có vì toàn bộ thuốc BVTV là do chúng ta nhập khẩu 100%.

Cho đến sáng nay, chúng tôi đã cho kiểm tra, nắm lại thông tin, thì hiện riêng việc xuất khẩu hoa đặc biệt là hoa cắt cành đi đến 20 nước trên thế giới chứ không chỉ riêng thị trường Australia.

Còn đối với riêng thị trường Australia, hiện có 2 loại hoa gồm hoa cúc và hoa cẩm chướng thị trường này yêu cầu trước khi xuất khẩu thì phải nhúng vào dung dịch Glyphosate từ 0,25 đến 0,5%. Còn tất cả các loại hoa khác như cát tường, hoa hồng, lan hồ điệp vẫn xuất khẩu bình thường.

Ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN & PTNT) thông tin với báo chí về cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa Glyphosate

Trong khi đó, thông tư có hiệu lực từ 30/6/2021 và theo đúng Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật Việt Nam thì những loại thuốc không nằm trong danh mục thì đương nhiên không được phép sử dụng.

Glyphosate là hoạt chất có khả năng gây ung thư (nhóm 2A) cho con người theo công bố của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Quan điểm của Bộ NN & PTNT là bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, bên cạnh đó là bảo vệ môi trường.

Về thông tin hàng vạn cành hoa Đà Lạt xuất khẩu sang Australia buộc phải tiêu hủy; Thực chất chỉ có 2 container không đáp ứng yêu cầu. Số lượng hoa xuất khẩu đi Australia không nhiều. Còn thông tin hàng đống hoa đổ đi đây một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Chúng tôi cũng rất chia sẻ đối với các doanh nghiệp không chỉ hoa mà cả rau. Đây là tình trạng chung không ai muốn và việc phòng chống dịch Covid-19 cho người dân là tối thượng.

Vậy Cục BVTV sẽ thực hiện những biện pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lúc này, thưa ông?

Giải pháp đưa ra là tìm các hoạt chất thay thế. Hiện, chúng tôi đã thống nhất với Dalat Hasfarm các kết quả khảo nghiệm các hoạt chất thay thế phù hợp. Ngay sau đó Cục cũng đã có Công hàm và gửi toàn bộ tài liệu kỹ thuật này sang Australia. Trước đó, Cục đã đàm phán với Australia và họ đã đồng ý xem xét các hoạt chất thay thế cho Glyphosate.

Và hiện nay, hàng ngày chúng tôi cùng với Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) cùng phối hợp với Tham tán của Australia tại Việt Nam đôn đốc phía Bộ Nông nghiệp Australia làm sao để có trả lời và chấp thuận trong thời gian sớm nhất. Họ cũng rất thiện chí xem xét các hoạt chất thay thế.

Còn vấn đề thời gian thì phụ thuộc nhiều yếu tố như: thông số kỹ thuật, số lượng loài bị hại; xác định được các biện pháp xử lý; thái độ làm việc của họ nữa.

Từ khúc mắc của Dalat Hasfarm, ông có thể đưa ra khuyến nghị đối với các doanh nghiệp ?

Hiện nay, chỉ duy nhất có thị trường Australia quy định sử dụng hoạt chất Glyphosate ngâm cành hoa khi đóng gói nhằm triệt mầm hoa cúc và hoa cẩm chướng.

Australia có quy định rất chặt chẽ về hàng hóa nhập khẩu. Quy định đầu tiên của Australia là việc ngăn chặn các sinh vật ngoại lai xâm hại. Do vậy, Australia không để nguy cơ các sinh vật sống vào nước họ và trở thành sinh vật ngoại lai. Hai loại hoa trên có tỷ lệ nảy mầm lớn và để đảm bảo tuyệt đối các loại hoa trên vào Australia không có khả năng nẩy mầm, việc sử dụng Glyphosate chủ yếu là xử lý triệt để khả năng này của cành hoa.

Tôi xin nhấn mạnh là hiện chỉ có 2 loại hoa là cẩm chướng và cúc là phía Australia có yêu cầu đó. Trong khi đó, tổng sản lượng hoa cắt cành của các công ty xuất khẩu đi sang thị trường Australia là không nhiều. Do đó, ảnh hưởng của quy định này không đến mức gây khó khăn quá cho doanh nghiệp.

Hiện, thị trường xuất khẩu Mỹ, EU, Nhật Bản, Đài Loan đều nhập khẩu bình thường. Cục đề nghị các doanh nghiệp, trong đó có Dalat Hasfarm tăng cường xuất khẩu đi các thị trường khác để tránh bị động. Về phía Cục cũng đang chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch tạo điều kiện tối đa, nhanh nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoa.

Tôi cũng đề nghị Dalat Hasfarm phối hợp với Cục để cung cấp đầy đủ các thông về các hoạt chất thay thế để có thể cung cấp cho phía Australia khi họ có yêu cầu đề phía họ sớm chấp nhận các hoạt chất thay thế.

Xin cảm ơn ông

Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội hoa Đà Lạt mong Bộ NN & PTNT tạm thời vẫn tiếp tục cho các doanh nghiệp và các thành viên Hiệp hội hoa được tiếp tục sử dụng Glyphosate cho đến khi Australia đồng ý thay thế hoạt chất khác. Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV cho biết, việc lùi thời hạn là không thể, không vì lợi ích của một vài doanh nghiệp mà làm trái quy định của pháp luật. Việc gia hạn sẽ tạo ra hiệu ứng xã hội khác chứ không phải chỉ là chuyện xuất khẩu hoa.
Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận