![]() |
Đào tạo thực hành luôn được khối trường ngành Công Thương chú trọng |
Đánh giá của ông về quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Công Thương?
Ngành Công Thương hiện có 49 cơ sở đào tạo, trong đó, 35 trường trực thuộc Bộ, 14 trường thuộc các doanh nghiệp thuộc Bộ. Các trường thuộc ngành Công Thương đào tạo trên 400 ngành, chuyên ngành, nghề thuộc các nhóm ngành, nghề kỹ thuật công nghệ, kinh tế, thương mại dịch vụ…
Chất lượng đào tạo của các trường trong năm học vừa qua đạt khá, thể hiện ở một số chỉ tiêu chính: Tốt nghiệp đạt trên 83% (tốt nghiệp loại giỏi là 10,8%); trên 50% học sinh có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp.
![]() |
Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ phát triển nhân lực, Bộ Công Thương |
Ngoài ra, với quan điểm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên là nhiệm vụ cốt lõi, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà trường... nhiều trường đã thực hiện những chính sách khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giảng viên tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, như: Tạo điều kiện về thời gian, bố trí công việc, điều kiện làm việc, hỗ trợ kinh phí, ưu tiên triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp trường...
Theo ông, nguồn nhân lực thuộc hệ thống trường của Bộ đã đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động hay chưa?
Có thể nhận thấy, nhiều trường chưa thực sự đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động, nhất là trong giai đoạn mới. Nguyên nhân của thực trạng này, do quy mô phát triển chưa đồng bộ với chất lượng đào tạo; trình độ đội ngũ giáo viên còn hạn chế; cơ sở vật chất của một số trường chưa được đầu tư đồng bộ. Thêm nữa, mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo hiệu quả không cao; sự tham gia của các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế vào quá trình đào tạo ít.
Để đáp ứng tốt được nhu cầu của thị trường lao động và phát triển của ngành Công Thương, thời gian tới, đào tạo nhân lực sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
Theo chiến lược về đào tạo nhân lực, ngành Công Thương sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại học tương xứng với quy mô hiện tại, đồng thời tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo nghề từ mức 61% hiện nay lên mức 70% vào năm 2020, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp ưu tiên mũi nhọn, công nghiệp phụ trợ. Cụ thể, ưu tiên đào tạo nhân lực cho các phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thực phẩm; dệt may, da giày; sản xuất gỗ giấy và các sản phẩm từ gỗ giấy; công nghiệp hóa chất; cơ khí, luyện kim; thiết bị điện, điện tử, tin học.
Bên cạnh đó, thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, ngành Công Thương sẽ tăng cường chất lượng đào tạo cho các trường thuộc Bộ thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành. Hiện, Vụ Phát triển nguồn nhân lực đã làm việc với các nhà tài trợ và bước đầu đã nhận được một số hợp tác của các nhà tài trợ như JICA, AFD, WB... Điển hình như Dự án JICA- HaUI- dự án tăng cường năng lực đào tạo giáo viên kỹ thuật dạy nghề tại Trường đại học Công nghiệp Hà Nội; Dự án JICA - IUH về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp nặng - công nghiệp hóa chất tại Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh...
Đây là những cơ hội để các trường tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng viên, chuẩn đầu ra, kết nối doanh nghiệp và kết nối việc làm cho sinh viên.
Xin cảm ơn ông!
Ngành Công Thương sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại học tương xứng với quy mô hiện tại, đồng thời tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo nghề từ mức 61% hiện nay lên mức 70% vào năm 2020. |