Xin ông cho biết đánh giá của mình về những tác động của dịch nCoV tới lĩnh vực du lịch?
Vốn là ngành rất nhạy cảm với tình trạng thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh… dịch nCoV gây ra không chỉ làm thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, mà còn trực tiếp làm suy giảm ngành du lịch. Tình trạng khách hủy tour, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch ước tính thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng. Các DN du lịch hiện đang gồng mình vừa phòng, chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh; nhiều khu, điểm du lịch đã trở thành "sa mạc".
![]() |
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam |
So sánh với những gì đã xảy ra khi có dịch SARS cách đây 17 năm thì ảnh hưởng của dịch nCoV tác động mạnh mẽ hơn tới ngành du lịch. Dự báo, bệnh dịch có thể kéo dài và khó khắc phục trong vòng vài tháng. Do vậy, đây được xem là một cuộc khủng hoảng tác động tiêu cực tới DN và người lao động trong lĩnh vực này.
Trong khó khăn đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch, ngành du lịch phải thực hiện các giải pháp ứng phó như thế nào, thưa ông?
Theo tôi, trong lúc lượng khách đang giảm trầm trọng, có những nơi đến 90% thì cần phải tập trung vào công việc mà trước đây không có thời gian để làm, như đào tạo kỹ năng cho đội ngũ lao động; tiếp theo là sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất đã bị xuống cấp từ điểm tham quan, cơ sở lưu trú đón khách. Trước đây, nhiều nơi cho rằng, khách tự nhiên mà đến, nên thường bỏ rơi việc nghiên cứu thị trường. Công việc này cần bắt tay triển khai ngay trong thời gian khủng hoảng là tốt nhất, vì có thể tập trung toàn bộ trí tuệ, nguồn lực, để đến khi dịch kết thúc chúng ta hoàn toàn yên tâm.
Để bù đắp sự sụt giảm từ khách Trung Quốc và các nguồn khách đang bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV, theo ông, thị trường nào du lịch Việt Nam cần quan tâm, đẩy mạnh khai thác? Và nhà nước cần hỗ trợ gì cho DN?
Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản là những thị trường chúng ta nên tập trung triển khai. Hiện, Mỹ có lượng người đi du lịch lớn trên thế giới, với 95 triệu người/năm; Nhật Bản có 15 - 17 triệu người đi du lịch nước ngoài mỗi năm… nhưng Việt Nam mới chỉ đón 900 nghìn lượt khách/năm. Do đó, đây là lúc chúng ta lật lại thị trường, nghiên cứu khai thác thị trường quan trọng song song thị trường gần; mở thêm thị trường lớn, mới, bền vững ngoài thị trường truyền thống, trọng điểm; tìm kiếm các thị trường không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong bối cảnh kinh doanh bị ngừng trệ, việc hỗ trợ tiền điện, nước, miễn thuế VAT cho DN bị thiệt hại, giảm lãi suất vay ngân hàng... là cần thiết. Mặt khác, nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ về thuế đất xây dựng cơ sở lưu trú; cho nhập khẩu thiết bị để nâng cấp chất lượng dịch vụ du lịch; miễn lệ phí visa để đẩy mạnh thu hút khách sau khi dịch kết thúc; có nguồn kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo lao động giúp DN hồi phục nhanh và vươn lên mạnh mẽ hơn.
Xin cảm ơn ông!
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Kịch bản sụt giảm khách du lịch năm 2020 tùy vào tình hình dịch kéo dài hay ngắn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm khắc phục hậu quả của dịch bệnh, cùng sự hỗ trợ của nhà nước, hy vọng hoạt động du lịch sẽ sớm hồi phục một cách nhanh nhất. |