Tuyên Quang: Trên vạch xuất phát mới

Cung đường cao tốc cũng mới đưa xe chúng tôi băng băng về Tuyên Quang - cửa ngõ Việt Bắc. Miền đất là “phên dậu của Trung Châu, cũng là nơi địa đầu quan yếu” được tạc vào bia đá “Tuyên thành vạn cổ án Thăng Long”.
\"\"
Lễ hội Rằm Trung thu - “đặc sản” du lịch của Tuyên Quang

Đổi thay

Nét mới của Tuyên Quang không chỉ ở thành phố tỉnh lỵ, các thị trấn với các tuyến đường rộng mơ được khoác lên lớp nhựa đen nhánh, diêm dúa những làn hoa thành “Đường hoa”. Cũng không phải chỉ là những nếp nhà sàn thời mới, y trang “mẫu kiến trúc” nguyên thủy, vẫn chênh vênh trên triền núi, sườn đồi, mái cọ ấm cúng, lộng gió bốn phương, mát như quạt hầu, dàn đồng ca chim rừng thánh thót khuyến mại. Song bê tông, cốt thép thay gỗ rừng; nội thất mẫu mã luôn “cập nhật”, thành ra có khi còn xịn hơn nhà ở đô thành xây cất từ những năm trước.

Cái địa thế hiểm trở hợp thời chiến sang thời bình thành cản trở. Đền đáp sự cống hiến của đồng bào vì nghĩa lớn, nhiều nguồn lực dồn vào đây cùng với sự gắng sức tại chỗ đã làm đổi thay miền đất này.

Điện đi trước

Hơn một trăm dự án “sinh hạ” các nhà máy, nhưng điện phải là đầu tiên. Tuyên Quang có hai nhà máy thủy điện vào hàng có tên tuổi là Thủy điện Tuyên Quang và Thủy điện Chiêm Hóa. Trong đó, Chiêm Hóa là thủy điện đầu tiên của nước ta sử dụng công nghệ turbin chảy thẳng kiểu bóng đèn có thể phát sáng với cột nước rất thấp. Các nhà máy giấy và bột giấy, giấy tráng phấn cao cấp, xi măng, may xuất khẩu… nối tiếp nhau chào đời. Chặng đường mới, các ngành có tiềm năng được chọn làm động lực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế- tỷ trọng công nghiệp- xây dựng chiếm 40%.

Nông nghiệp vươn tới

Hướng nông nghiệp vào sản xuất hàng hóa, Tuyên Quang quy hoạch 6 vùng chuyên canh: chè - mía - cam - lạc - gỗ nguyên liệu - bò sữa. Giống chè Kim Tuyến, Phúc Vân Tiên đang nhân rộng. Khoa học vào cây mía đã nâng tỷ lệ thu hồi đường từ cây mía, chất lượng vào nhóm hảo hạng.

Với hàng ngàn ha mặt nước, cá tạp tự nhiên thay bằng nuôi thả quy trình mới với 6 đặc sản: Cá dầm xanh, anh vũ, lăng chám, chiên, bỗng và cá tầm. Một thời bị “quây lùng” để cung phụng thực khách thời thượng, cá dầm xanh, anh vũ tưởng như tuyệt chủng, song nhờ ứng dụng khoa học vỗ đẻ nhân tạo, nay đã “con đàn, cháu đống”. Cá chiên trước sống quen ở sông nào chỉ ưa dòng nước ấy, bây giờ được thuần hóa không kén chọn chốn vẫy vùng. Các loài cá này vẫn quý nhưng không còn…hiếm.

Bò, dê tách bạch loại sinh sản- loại thương phẩm lấy sữa cho thịt, khoanh vùng nuôi theo phác đồ riêng. Mô hình trang trại liên hoàn trồng rừng – chăn nuôi – thả cá, nay đã phổ biến. Nhiều chủ trang trại lớn là các chàng trai khí thế, có học, giỏi quản trị….

Giống mới, cách làm bài bản, thêm nguồn lực, kỹ thuật tân tiến, năng động theo hơi thở thị trường…, khiến cũng đồi rừng ấy, ruộng nương ấy, sông nước ấy, con người ấy… mà bội thu, minh chứng khi tiềm năng được đánh thức bởi tâm huyết con người sẽ nhân lên thành quả.

Thương mại, dịch vụ - gạch nối sản xuất với thị trường

Chương trình xúc tiến thương mại đưa hàng Việt về nhanh vùng sâu, đến nhiều nơi xa. Phiên chợ “Đưa hàng Việt” tại Yên Hoa, Na Hang thách thức âm u rừng núi “dám” khai diễn vào lúc mặt trời đi ngủ vì “cậy” có điện thay sao. Những gian hàng đầy ắp công nghệ phẩm dưới suối lên, đặc sản mạn ngược tới. Nắng ban mai ửng hồng gương mặt các thiếu nữ xúng xính trang phục ngày hội, nổi bật trong dòng người nhịp theo tiếng nhạc ngựa xuống chợ.

Tiền khởi nghĩa, Tuyên Quang là “Thủ đô giải phóng”, vào cuộc trường chinh 9 năm là “Thủ đô kháng chiến”. Hai biệt danh “Thủ đô” được tôn vinh cho một miền đất là độc nhất vô nhị ở nước ta. Với biệt danh đó, “Du lịch về nguồn” là thế mạnh ít nơi nào có.

“Lễ hội Rằm Trung thu” mời gọi đến Tuyên Quang. Đúng vào thời khắc trăng tròn mới nhú là mở màn cuộc Diễu hành với hàng trăm chiếc lồng đèn khổng lồ với những linh vật ngộ nghĩnh, lung linh sắc màu từ khắp các phường, xã... nối đuôi nhau rước về trung tâm thành phố rồi tùng rinh rinh tỏa ra các phố. Khách tây, người ta đều trầm trồ về Lễ hội mang thương hiệu “Tuyên Quang”.

“Mận Hồng Thái -Gái Thượng Lâm” - câu tục ngữ nói về hai địa danh thuộc huyện Na Hang. Hồng Thái được xem như Sa Pa, vào mùa, mận tung chùm hoa tươi mát, đơm quả ngọt, thơm dòn. Thượng Lâm với 99 ngọn núi với truyền thuyết đàn phượng hoàng bay lượn chọn đất định đô. Vẻ kiêu sa của chim quý truyền sang các cô gái miền sơn cước dịu hiền, đằm thắm duyên quê “Nụ cười miệng nở hoa sim/ Hàm răng trắng ngọt, càng nhìn càng say. Má hồng nắng đỏ hây hây/ Mắt đen lay láy bàn tay dịu dàng”.

Là cửa ngõ đi từ dưới xuôi lên, từ trên về, từ ngang sang thì liên kết của Tuyên Quang với các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là đương nhiên, và du lịch là một trong những con chủ bài.

Không phải tất cả sẽ xuôi chèo, mát mái. Quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững. Thời tiết cực đoan nhăm nhe phụ lòng người. Song trên vạch xuất phát mới, Tuyên Quang vững vàng trong hành trình hội nhập và phát triển để miền đất từng là “thủ đô kép” sớm thành tỉnh khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nguyễn Duy Nghĩa
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận