![]() |
Quang cảnh buổi hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Nguyễn Trọng Đàm - nhấn mạnh: Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác giảm nghèo, được thế giới đánh giá là điểm sáng hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời hạn. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm bình quân 2%/năm. Những kết quả này có phần đóng góp của công tác truyền thông về giảm nghèo, trong đó báo chí có vai trò quan trọng.
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng có chung nhận định, báo chí đã phản ánh kịp thời những vấn đề liên quan đến công tác giảm nghèo, nguyên nhân nghèo đói, những bất cập về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giảm nghèo, những tấm gương đã thoát nghèo… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc xây dựng chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.
Thông tin từ Văn phòng Quốc gia giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ có nhiều điểm mới, đó là: Chương trình tập trung vào địa bàn khó khăn nhất của vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi; Chương trình mang tính tích hợp các chương trình, dự án trước đây như CT30a, 135, xuất khẩu lao động... Việc thực hiện giảm nghèo giai đoạn này cũng theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, qua đó xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin…
Chính vì vậy, để truyền thông góp phần đẩy lùi đói nghèo, các đại biểu cho rằng, công tác báo chí, truyền thông cần có góc nhìn đa chiều khi khai thác mảng thời sự giảm nghèo; truyền thông mạnh mẽ để người nghèo hiểu rõ vấn đề “con cá và cần câu” là chưa đủ, mà phải giúp người nghèo có thêm khao khát vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, trên cơ sở thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng chuyên ngành, báo chí cần bằng nhiều hình thức khác nhau tiếp tục phản ánh thực trạng đói nghèo ở Việt Nam một cách thực chất, đầy đủ, khách quan. Tiếp tục cắt nghĩa cho được nguyên nhân cụ thể, chi tiết của đói nghèo đối với từng đối tượng. Phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm hợp lý, những lời giải bài toán đói nghèo thành công trong cả nước... từ đó gợi mở nhân rộng mô hình, phương cách làm ăn, sản xuất kinh doanh giỏi…
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham dự và nhà báo đã được đi tìm hiểu thực tế về một số mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Dưới đây là một số hình ảnh về mô hình giảm nghèo hiệu quả của gia đình người dân tộc ở xóm Bến Thân, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
![]() |
Những ngôi nhà lợp tạm trước kia giờ là những ngôi nhà gỗ chắc chắn, khang trang |
![]() |
Hộ gia đình anh Triệu Văn Liều đã có đầy đủ ti vi, tủ lạnh |
![]() |
Thậm chí còn có cả máy xay xát gạo |
![]() |
Hộ gia đình ông Lý Văn Thanh cũng đã thoát nghèo từ năm 2016, nhà ông khá trang trang |
![]() |
Khi đã đủ ăn, các con cháu ông Thanh được đi học đầy đủ và được rất nhiều giấy khen |