“Lõi nghèo” của cả nước
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ bao gồm các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình.
![]() |
Phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản là lối mở cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ |
Mặc dù so với năm 2004 (năm bắt đầu triển khai Nghị quyết 37), các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ nay đã có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt mức gần 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,6 triệu đồng/người/năm - gấp gần 9,8 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại (công nghiệp, xây dựng chiếm 40,43%; dịch vụ chiếm 35,86%; nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 18,6%...). Tuy nhiên, đến nay vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là vùng “lõi nghèo” của cả nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hầu hết ở các địa phương đều chậm.
Ngoài những hạn chế do địa hình chia cắt, hạ tầng chưa phát triển đồng bộ dẫn đến kinh tế bị xé lẻ, phân mảnh, thiếu liên kết… Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận là tư duy về phát triển vùng đối với vùng Trung du và miền núi Bắc bộ còn rất chậm đổi mới, thiếu đi chính sách đột phá đặc thù. Bản thân các tỉnh, thành chưa chú trọng việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hướng đi mới thu hút đầu tư, dẫn đến việc môi trường đầu tư và kinh doanh chậm được cải thiện hơn so với toàn quốc. Vẫn thiếu một hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô thống nhất trong toàn vùng làm cơ sở cho công tác hoạch định chính sách phát triển.
Tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn”
Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thu hút nhiều lãnh đạo, chuyên gia khắp các tỉnh, thành cùng đóng góp, hiến kế; thẳng thắn phân tích các “nút thắt”, “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách, nguồn lực; cũng như điểm mạnh và cơ hội để vùng Trung du và miền núi Bắc bộ “cất cánh”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhìn nhận: “Độ che phủ rừng ở vùng Trung du và miền núi Bắc bộ cao nhất cả nước… Vì vậy, phát triển lâm sản chế biến gỗ là lối mở cho vùng này. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, cần tận dụng tối đa thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, muốn khai thác thị trường lớn này, phải chú ý phát triển vận chuyển và hậu cần hàng hóa dọc các tuyến đường, các cửa khẩu. Nói cách khác, tập trung phát triển hạ tầng giao thông phải là một bước đột phá trong phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ”.
Về định hướng phát triển du lịch, PGS-TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, cho rằng: Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ hoàn toàn có thể phát triển du lịch chứ không nên chỉ định hướng chạy theo công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, phát triển du lịch phải gắn với đặc thù từng địa phương và liên kết chặt chẽ với nhau chứ không tùy tiện, phát triển nóng theo số lượng dễ dẫn tới áp lực về môi trường sinh thái…
Trước thực tế, cùng nằm trong vùng với điều kiện tương đối giống nhau, nhưng một số tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai... đang bứt lên, trong khi các tỉnh còn lại vẫn khá ì ạch - TS. Trần Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư, thẳng thắn: “Cho tiền cũng rất quan trọng nhưng trước hết tạo ra cơ chế, thể chế để buộc Bí thư, Chủ tịch phải năng động, sáng tạo luôn suy nghĩ tìm cách làm mới. Tính chủ động của địa phương cần phải nhìn nhận như một điểm mạnh”.
Với tư duy, phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ không phải chỉ cho vùng mà phải đặt vùng trong tổng thể cả nước, trong liên kết… Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình định hướng: Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, do điều kiện tự nhiên và khó khăn về nguồn nhân lực nên cần cân nhắc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và xây dựng ở mức vừa phải, thay vào đó tập trung chuyển dịch theo hướng dịch vụ và nông nghiệp. Ngoài ra, với vai trò quan trọng của vùng trong đảm bảo môi trường sinh thái, phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ rừng, coi đây vừa là kế sinh nhai, thoát nghèo, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.