![]() |
Người lao động được tư vấn hỗ trợ việc làm |
Bình Định hiện có khoảng hơn 6.853 đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động với 147.850 lao động, hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động; số đơn vị tham gia BHTN đạt 3.839, 104.233 người tham gia BHTN.
Theo đại diện trung tâm, nhằm hỗ trợ, giải quyết việc làm cũng như bảo đảm quyền lợi cho người lao động (NLĐ), thời gian qua, đơn vị này luôn chú trọng nâng cao hiệu quả, thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho NLĐ, đặc biệt là NLĐ tham gia BHTN. Bằng việc thành lập Bộ phận tư vấn ban đầu, tất cả NLĐ đến trung tâm được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề; giúp họ tiếp cận nhanh các thông tin về vị trí việc làm mới cũng như ngành nghề đào tạo, qua đó, có sự định hướng nghề nghiệp, sớm quay lại thị trường lao động.
Đồng thời, đối với NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm đã gắn kết với NLĐ, thông qua các hoạt động giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ để NLĐ tiếp xúc với doanh nghiệp nhằm có cơ hội chọn việc làm, học nghề. Mặt khác, trung tâm còn hỗ trợ NLĐ tìm việc thông qua các phiên giao dịch việc làm; triển khai nhiều giải pháp giúp NLĐ chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, hoặc tự tạo việc làm tại địa phương, gia đình.
Đại diện trung tâm cho biết, các nội dung hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách BHTN, tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề tại Bình Định đã được ban hành kịp thời, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công việc. Sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý địa phương, Cục Việc làm đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho NLĐ thất nghiệp tại địa phương. Đặc biệt, năng lực, chuyên môn của cán bộ trung tâm được cải thiện nên việc thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho NLĐ thuận lợi, đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn tồn tại nhiều khó khăn trung tâm mong muốn cần sớm được tháo gỡ. Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện thông báo tình hình về biến động lao động theo quy định; ý thức học nghề để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường của NLĐ chưa cao; các ngành nghề để học chưa đa dạng. Ngoài ra, một số NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tự tạo việc làm tại địa phương như làm nông, chăn nuôi, buôn bán nhỏ ít quan tâm đến tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề; thậm chí, NLĐ khai báo tình trạng về việc làm không trung thực.
Bên cạnh đó, quy định về "Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ" quá khó khăn về thủ tục hành chính nên người sử dụng lao động không thể tiếp cận được. Do đó, sau 5 năm thực hiện, trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp nào được hưởng chế độ này. Mặt khác, đội ngũ tổ chức thực hiện BHTN tại trung tâm được giao bằng định suất và thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng lao động nên chưa thực sự yên tâm để thực hiện nhiệm vụ lâu dài, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định đề xuất, các cơ quan quản lý quan tâm đầu tư nâng cao năng lực hoạt động, nhất là trang thiết bị thực hiện tại các văn phòng BHTN đại diện cụm huyện/thị xã của trung tâm; có phần mềm kết nối dữ liệu BHTN với BHXH tỉnh để phục vụ NLĐ thất nghiệp; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ về tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho NLĐ thất nghiệp… |