![]() |
Gian hàng của Hoa Ban + tại Hội chợ Hà Nội Gift Show 2016 |
Khó từ sản xuất đến tiêu thụ
Trung tâm bảo trợ Thuận Hòa được biết đến với thương hiệu Hoa Ban + là “mái ấm” của hơn 40 chị em người dân tộc Thái và người khuyết tật tại bản Lác 2 (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Được thành lập từ năm 2008 chỉ với 3 thành viên, đến nay Hoa Ban + dần có tiếng trong cộng đồng doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên, việc hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc Thái, Mông phát triển sản phẩm thủ công truyền thống cũng như hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn của trung tâm hiện đang rất khó khăn.
Chị Đỗ Thị Cúc - đồng sáng lập của Hoa Ban + cho biết: Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống nên tay nghề của bà con tốt. Trung tâm và các tình nguyện viên chỉ tập trung hỗ trợ phát triển mẫu mã sản phẩm mới, cách sắp xếp hoa văn, màu sắc. Tuy nhiên, để làm được điều này trung tâm cũng mất đến 2 năm, cùng học cùng làm, hướng dẫn cho bà con từ cách dệt, phối màu, kỹ năng thêu, nhuộm sao cho bề mặt sản phẩm mượt, không bị bạc màu. Hơn nữa do thói quen, hoạt động sản xuất của bà con rất “ngẫu hứng”, ý thức về chất lượng, tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn chưa cao khiến sản phẩm không có sự đồng đều, thời gian thực hiện kéo dài.
Sản phẩm của Hoa Ban + hiện mới chỉ tiêu thụ tại các điểm du lịch và các thành phố lớn, sản lượng không cao, rất khó khăn trong việc duy trì sản xuất của trung tâm. Đặc biệt, tại các bản du lịch tại Mai Châu hiện có đến 70% sản phẩm du lịch có xuất xứ từ Trung Quốc, giá thành rất rẻ. Ví dụ, một chiếc túi to, đẹp có giá 70.000 đồng chỉ bằng số tiền công Hoa Ban + trả cho người sản xuất chiếc túi tương tự, chưa kể nguyên vật liệu, phí vận chuyển. Ngoài ra, do mới thành lập trung tâm cũng rất thiếu vốn đầu tư cho xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất và tích trữ nguyên liệu.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Chị Đỗ Thị Cúc cũng cho biết, Hoa Ban + hoạt động như một mô hình doanh nghiệp xã hội, đã không chỉ nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp này mà còn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Trung tâm đã được tạo điều kiện tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ lớn, như: Hà Nội Gift Show, Lifestyle Vietnam… Thông qua các hội chợ, Hoa Ban + đã tìm được khách bán buôn cũng như đối tác sản xuất gia công. Tuy nhiên, trung tâm mới có điều kiện tham gia các hội chợ trong nước, còn các hoạt động xúc tiến thương mại ra nước ngoài mặc dù rất muốn nhưng chưa đủ nguồn lực để tham gia. Vì vậy, “Hoa Ban + mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc phát triển thị trường và sự chung tay của cả cộng đồng nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số”, chị Cúc nói.
Chị Carol McVey - tình nguyện viên đến từ Vương quốc Anh cũng chia sẻ: Ở Anh mô hình doanh nghiệp xã hội như Hoa Ban + rất phổ biến, đã đem lại nhiều lợi ích cũng như sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của nhóm phụ nữ yếu thế trong xa hội. Tại Việt Nam, mô hình này hiện chưa nhiều nhưng theo xu hướng sẽ phát triển trong tương lai. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ Anh cũng như các quốc gia khác trên thế giới nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa mạng lưới doanh nghiệp xã hội. Quan trọng hơn, sự hỗ trợ, góp sức từ cả cộng đồng sẽ là động lực mạnh mẽ giúp Hoa Ban + cũng như doanh nghiệp khác thuận lợi phát triển.