TP. Hội An hướng tới trở thành điểm đến xanh

36 doanh nghiệp du lịch tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện “Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - Điểm đến xanh, giai đoạn 2021 - 2023”. Hoạt động là bước đệm để đưa Hội An trở thành điểm đến xanh, thu hút khách du lịch hậu Covid-19.

Sáng 30/9, UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) tổ chức lễ ký kết và công bố “Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - Điểm đến xanh - Giai đoạn 2021 - 2023”.

Doanh nghiệp du lịch Quảng Nam cam kết với chính quyền TP. Hội An giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới xây dựng Hội An trở thành điểm đến xanh

Tại chương trình, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đã đại diện cho 36 doanh nghiệp tham gia ký kết thực hiện khung chương trình về kế hoạch giảm rác thải nhựa đến năm 2023.

Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải được xây dựng từ “trăn trở” của UBND TP. Hội An về phân loại rác tại nguồn, xử lý rác dễ phân hủy theo cách thân thiện với môi trường; giảm thiểu sử dụng và tăng tỷ lệ tái chế đối với rác nhựa; và được sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính từ các tổ chức quốc tế như IUCN, WFF, UNDP…

Mục tiêu của kế hoạch nhằm thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp tiên phong, hành động giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng và rác thải nói chung; xây dựng hệ sinh thái tái chế hướng tới đưa Hội An trở thành điểm đến xanh về du lịch trong tương lai gần. Trong đó, trước mắt, giai đoạn 2021 - 2022 sẽ có 36 doanh nghiệp cam kết thực hiện khung chương trình.

Đến năm 2023 sẽ có 100 doanh nghiệp tham gia cam kết, 50% trong số đó là doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp sẽ cam kết giảm 30% rác nhựa khó tái chế, sử dụng một lần trước năm 2023; giảm 100% lượng rác thải này trước năm 2030; tái chế tối thiểu 50% rác hữu cơ trước năm 2030.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, kế hoạch giảm rác thải nhựa được thực hiện trên nguyên tắc 8T gồm: tổ chức thực hiện (chiến lược, nhân sự); từ chối sản phẩm nhựa dùng 1 lần; tiết giảm sử dụng sản phẩm khó xử lý; tái sử dụng (làm đầy) sản phẩm có bao bì có thể sử dụng lại; thay thế các sản phẩm và vật liệu có thể thay thể; phân loại để tái chế (khuyến khích tái chế, xử lý rác tại nguồn hoặc ít nhất phân loại cơ bản rác thải rựa với rác thải hữu cơ); truyền thông liên tục về chương trình; và tập sản phẩm và dịch vụ hướng tới du lịch xanh.

“Khung hành động doanh nghiệp sẽ thúc đẩy mục tiêu tiết giảm rác thải và rác thải nhựa, thiết lập hệ sinh thái tái chế cho chiến lược du lịch xanh - bền vững hướng tới Hội An - điểm đến xanh 2023”, ông Thanh nói.

Đánh giá thị trường du lịch chuyển đổi theo hướng du lịch xanh và thân thiện với môi trường giai đoạn hậu Covid-19 là hướng đi đúng được đặt ra và cần sự quan tâm của các bên liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An – ông Nguyễn Minh Lý - cho rằng “Việc tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc gia tăng khối lượng chất thải. Ngược lại, một mô hình kinh tế và xã hội bền vững có thể thực hiện được nếu tất cả các bên liên quan cam kết tham gia và tạo điều kiện giảm thiểu chất thải”.

Doanh nghiệp du lịch Quảng Nam hướng tới không sử dụng nhựa 1 lần vào năm 2030, thay vào đó sử dụng những sản phẩm có thể tái chế (Ảnh minh họa, chụp trước thời điểm dịch Covid - 19)

Được biết, khung kế hoạch giảm rác thải nhựa đã được lên ý tưởng từ năm 2019 và bị đình lại đến thời điểm hiện tại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Với kế hoạch này, IUCN hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia nhằm thúc đẩy một hệ sinh thái tái chế góp phần giảm rác thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng tại TP. Hội An”, Bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện IUCN nói.

Sau lễ công bố đã diễn ra phiên tọa đàm về kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa hướng tới Hội An - Điểm đến xanh và phục hồi hậu Covid-19. Tại chương trình, các tổ chức, doanh nghiệp cùng trao đổi các kinh nghiệm để phục hồi hoạt động du lịch Hội An sau đại dịch, đồng thời đưa ra các sáng kiến, thuận lợi, thách thức trong việc tuần hoàn rác thải nhựa bảo vệ môi trường.

Vũ Lê
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận