TP. Hồ Chí Minh: Thêm hơn 1.000 tỷ đồng cho hàng bình ổn

TP. Hồ Chí Minh chi thêm 1.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình hàng bình ổn thị trường năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 so với năm 2015. Việc tăng thêm nguồn lực tài chính này nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và mở rộng mạng lưới tiêu thụ.
\"\"
Tăng nguồn lực tài chính sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa

Bổ sung thêm nhiều hàng bình ổn

Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên - cho biết, Chương trình hàng bình ổn thị trường năm 2016 và Tết Đinh Dậu 2017 có 86 DN tham gia (tăng thêm 1 DN), tổng hạn mức tín dụng là 12.900 tỷ đồng, tăng 1.050  tỷ đồng so với năm 2015. Chương trình được thực hiện ở 4 lĩnh vực, gồm: Các mặt hàng lương thực - thực phẩm; các mặt hàng sữa; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; các mặt hàng dược phẩm thiết yếu, thực hiện từ đầu tháng 4/2016 đến hết tháng 3/2017.

Để hàng bình ổn đủ lực tham gia kiểm soát giá cả thị trường, TP. Hồ Chí Minh đã đặt chỉ tiêu cho từng nhóm mặt hàng bình ổn, chiếm khoảng từ 25 - 40% nhu cầu thị trường, tăng bình quân từ 30 - 35% so với kết quả thực hiện năm 2015. Đối với các mặt hàng lương thực - thực phẩm sẽ được bình ổn 9 nhóm mặt hàng (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả, thủy, hải sản), chiếm khoảng 25- 30% nhu cầu thị trường các tháng thường và 30- 40% nhu cầu thị trường các tháng Tết. Các mặt hàng phục vụ mùa khai trường lượng hàng gồm 28 triệu cuốn vở, 450.000 bộ đồng phục học sinh, 1.369.000 cặp-ba lô- túi xách và 320.000 đôi giày dép, chiếm từ 35-40% nhu cầu tiêu dùng, tăng bình quân 15- 30% so kết quả thực hiện năm 2015. Tổng lượng mặt hàng sữa 4.529,5 tấn/năm (377,5 tấn/tháng), tăng 8,37% so với năm 2015. Lượng hàng dược phẩm thực hiện chiếm 50% thị phần của các nhóm thuốc thiết yếu người dân thành phố sử dụng trong năm 2016.

Ông Phạm Thành Kiên cho biết thêm, điểm mới của hàng bình ổn năm nay, mỗi chương trình sẽ bổ sung thêm chủng loại hàng hóa nhằm đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tốt hơn. “Trọng tâm của chương trình hàng bình ổn là hỗ trợ tối đa cho DN đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất, nuôi trồng theo hướng hiện đại, năng suất cao, sản phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn rộng khắp đến người tiêu dùng, kinh doanh 100% hàng Việt Nam, các điểm bán thực phẩm đạt an toàn vệ sinh, nuôi trồng theo các quy trình HACCP, VietGAP, GlobalGAP” - ông Kiên nhấn mạnh.

Tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn

Năm nay, có 10 ngân hàng tham gia cho các DN vay 12.900 tỷ đồng gồm 3 gói tín dụng: 6.350 tỷ đồng cho DN vay vốn lưu động ngắn hạn 12 tháng, lãi suất từ 5- 6%/năm; 2.950 tỷ đồng dành cho DN chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất vay ngắn hạn 12 tháng, lãi suất từ 5- 8%/năm và 3.600 tỷ đồng vay trung và dài hạn đầu tư cơ sở sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối với lãi suất từ 8,5- 9%/năm.

Theo ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, thành phố tiếp tục thực hiện chương trình kết nối giữa ngân hàng với DN và tạo điều kiện tốt nhất cho DN tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn hàng bình ổn cho thị trường. Triển khai sâu rộng chương trình kích cầu và khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đến các DN nhằm giúp DN đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại, thay thế hàng nhập khẩu, tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm. 

Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa chỉ đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các quận, huyện rà soát lại hoạt động của các chợ đầu mối, các chợ truyền thống để có giải pháp tăng cường năng lực hoạt động của hàng bình ổn tại mạng lưới phân phối này.
Thế Vĩnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận