TP. Hồ Chí Minh hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa linh hoạt

Trong những ngày qua, khi Chính phủ quyết định giãn cách 19 tỉnh thành phía Nam thực tế cho thấy hoạt động mua sắm lương thực thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh diễn ra ổn định, hàng hóa dồi dào, không còn xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa cục bộ. Thành phố đã nhanh chóng hình thành được chuỗi cung ứng hàng hóa linh loạt, tiện lợi, giá cả bình ổn đáp ứng nhu cầu mua sắm thiết yếu của người dân khi thực hiện giãn cách.

Hoạt động mua sắm hàng hóa diễn ra ổn định

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định giãn cách xã hội toàn khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ, ngành Công Thương thành phố đã có một số phương án chuẩn bị nguồn hàng trong điều kiện tất cả các địa phương siết chặt phòng chống dịch bệnh.

Hàng hóa rau xanh, thực phẩm dồi dào

Trong vòng hai ngày qua, hoạt động phân phối hàng hóa diễn ra ổn định. Lượng hàng tại các DN bán lẻ chuẩn bị tăng mỗi ngày. Thành phố cũng đã triển khai nhiều phương án phụ trợ để tăng nguồn cung ứng hàng hóa với hàng trăm điểm bán hàng lưu động, bán thực phẩm giá bình ổn đã cung cấp thêm nhiều địa chỉ mua sắm thực phẩm cho người dân. Thành phố cũng đã triển khai tàu cao tốc đầu tiên chở hàng hóa, nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long về TP. Hồ Chí Minh, mở ra thêm con đường vận chuyển hàng hóa nhằm tăng nguồn cung hàng hóa nhất là nông sản thực phẩm.

Đánh giá từ các nhà bán lẻ cũng cho thấy, lượng hàng hóa trong từng giỏ hàng của người tiêu dùng trong vòng những ngày gần đây cũng đã giảm mạnh, không còn hiện tượng mua gom, mua nhiều hàng hóa cùng một lúc gây nên trình trạng thiếu hàng hóa thiếu cục bộ như những ngày trước. Các đơn đặt hàng online vẫn tăng, hoạt động giao nhận hàng hóa nhanh chóng. Hiện nay, đã có 44 chợ truyền thống được phép hoạt động trở lại nhưng việc tổ chức mua bán tại chợ truyền thống tuyệt đối tuân thủ các điều kiện an toàn phòng chống dịch.

"Về giá cả hàng hóa, việc tăng giá lương thực thực phẩm vừa qua tại thành phố không phải là dấu hiệu của tích trữ, đầu cơ mà đó là do khó khăn tạm thời khi hệ thống phân phối bị ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động vận tải bị tăng chi phí phát sinh... Song từ phía các DN, nhà sản xuất nhất là các DN hàng bình ổn, hệ thống phân phối siêu thị vẫn đảm bảo mặt bằng giá cả ổn định đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu", ông Phương cho biết thêm.

Linh hoạt tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa

"Ở từng quận huyện, ở từng xã phường cũng sẽ có những điểm cung ứng hàng hoá cho bà con. Các chợ đã được nghiên cứu mở lại theo mô hình chợ an toàn tiếp nhận hàng hoá từ ngoại tỉnh về thành phố, tổ chức cung ứng đảm bảo về số lượng và giá", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh - ông Phan Văn Mãi - nhấn mạnh.

Một số chợ truyền thống mở cửa hoạt động trở lại nhưng đảm bảo an toàn phòng chống dịch

Có thể nói, chưa bao giờ thành phố có hệ thống cung ứng hàng hóa linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh ngày càng nhiều khó khăn thách thức như hiện nay.

Thành phố đã nhanh chóng triển khai việc xem xét và đã mở cửa trở lại hoạt động một số chợ truyền thống. Sở Công Thương đã có hướng dẫn về phương án tổ chức kinh doanh thực phẩm tươi sống, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đặt lịch và quản lý khách đi chợ, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Ngoài ra, trong những ngày gần đây, TP. Hồ Chí Minh còn linh động triển khai thêm các kênh bán hàng thiết yếu lưu động. Thành phố đã mời gọi DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia kết nối, hình thành một chuỗi phân phối hàng hóa thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Theo đó, người dân đang có một trải nghiệm mới đó là mua thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là rau củ quả giá bình ổn thị trường tại các điểm bán hàng lưu động, bưu điện, thậm chí là tại các nhà thuốc, cửa hàng chuyên kinh doanh hàng hóa cho trẻ em...

TP. Hồ Chí Minh nguồn cung hàng hóa ổn định
Các điểm bán hàng bình ổn, lưu động giúp người dân dễ dàng mua sắm thực phẩm thiết yếu

Từ việc các DN thuộc các lĩnh vực khác nhau thực hiện kết nối, bổ trợ lẫn nhau trong các khâu thu mua, vận chuyển, lưu trữ đến phân phối. Với chuỗi cung ứng linh hoạt này giúp cho người dân thành phố được tiếp cận các kênh phân phối bình ổn với quy mô hơn 1.000 điểm bán bổ sung.

Đảm bảo giá cả hàng hóa ổn định, cơ quan quản lý thị trường cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hành vi đầu cơ, găm giữ hàng hóa, vi phạm về giá bán, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng... đối với các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng có nhu cầu cao trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ- CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Thanh Thanh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận