Đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần chiếm ưu thế
Ngay trong quý I/2019, TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được hơn 1 tỷ USD vốn FDI. Cụ thể, thành phố có 165 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 96,7 triệu USD; có 31 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đạt 31,1 triệu USD. Ngoài ra, còn có 554 trường hợp nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp (DN) trong nước, tổng số vốn đầu tư vào loại hình này đạt 894,1 triệu USD.
![]() |
Cải cách hành chính đã giúp thành phố cải thiện môi trường đầu tư |
Phân theo ngành nghề, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nhiều nhất (51%), tiếp theo là bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống… Các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43,2%, nhà đầu tư Singapore đứng ở vị trí thứ 2 với 15,8%, tiếp đến là Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, liên tục trong những năm gần đây, hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong thu hút FDI vào TP. Hồ Chí Minh. Theo bà Lê Huỳnh Mai - Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, đây là hình thức đầu tư được DN FDI ưu tiên chọn lựa bởi thủ tục đơn giản, thuận tiện. Nhà đầu tư nước ngoài không cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong DN Việt Nam mà chỉ cần làm các thủ tục đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước, tùy từng trường hợp góp vốn, mua cổ phần có điều kiện kinh doanh hay không.
Sát cánh cùng doanh nghiệp
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho hay, để duy trì đà tăng trưởng thu hút FDI, thành phố luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc. Cụ thể từ khi thành lập năm 2002 đến nay, hệ thống đối thoại giữa DN và chính quyền thành phố đã giải đáp hơn 36.000 câu hỏi vướng mắc của DN về thuế, bảo hiểm xã hội, đầu tư, công nghệ thông tin, bất động sản, xây dựng…
Việc làm này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đánh giá cao khi đã giải đáp kịp thời khó khăn, vướng mắc của DN.
Theo đánh giá của các DN FDI, việc luôn chủ động trong cải thiện môi trường đầu tư đã giúp họ yên tâm, tin tưởng hơn vào những chính sách mà thành phố đang thực hiện.
Trong định hướng sắp tới, TP. Hồ Chí Minh vẫn đang tích cực triển khai cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và mô hình đô thị thông minh, sáng tạo nhằm giúp các nhà đầu tư có thêm điều kiện, cơ chế, và môi trường thuận lợi hơn nữa. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực cũng được kỳ vọng tạo động lực thu hút các nhà đầu tư vào địa phương này.