Khơi thông, giải phóng các nguồn lực
Ngày 28/3, tại TP. Hạ Long, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển KT-XH trong điều kiện thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương”.
Hội thảo đề cập tới những vấn đề quan trọng và mang tính thời sự, cấp thiết đối với sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương.
![]() |
Hội thảo thảo luận các nội dung liên quan đến việc khai thác, phân bổ, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tiếng nói từ các địa phương |
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, gợi mở cách tiếp cận mới trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ: Xu hướng toàn cầu - tầm nhìn quốc gia - hành động địa phương.
Thảo luận trực tiếp, các đại biểu đều tham gia các ý kiến chất lượng, gợi mở nhiều vấn đề mới đang đặt ra bức thiết, nhất là tập trung bàn sâu từ phương diện quản trị địa phương về vai trò, vị trí, phương pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thành công đột phá, bài học hay, kinh nghiệm quý, kể cả những tồn tại, bất cập, vướng mắc, điểm nghẽn, từ đó đề xuất giải pháp.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn tại hội thảo |
Các tham luận đi sâu phân tích việc khơi thông, giải phóng các nguồn lực cụ thể, như: Tài chính công, đất đai, nguồn nhân lực, thể chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách tài khóa, nguồn lực xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực hấp thu công nghệ và tăng cường mối liên kết giữa các thành phần kinh tế, phát triển kinh tế biển xanh, phục hồi ngành du lịch, nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, phát huy nguồn lực, sức mạnh của khu vực ngoài nhà nước, cải tiến chỉ số cải cách thủ tục hành chính...
Cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: Xuất khẩu đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế hiện nay, tuy nhiên xuất khẩu vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, các doanh nghiệp trong nước còn một số tồn tại, yếu kém cần phải cải thiện cũng như đang phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Chính vì vậy, "chúng ta cần làm tốt hơn công tác hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tăng năng lực, từ đó chủ động hơn trong hoạt động xuất khẩu" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc tận dụng được các hiệp định thương mại tự do vẫn đang là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như việc đa dạng thị trường, đa dạng hóa sử dụng đồng tiền ngoại tệ. Tuy nhiên, việc thu hút được đầu tư FDI là một thành tựu lớn của Việt Nam, cần tiếp tục đẩy mạnh và khuyến khích hơn nữa.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo |
Liên quan đến vấn đề năng lượng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định: Việc đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề sống còn của Việt Nam, Chính phủ và Bộ Công Thương đang rất cố gắng đảm bảo nguồn cung. Bên cạnh đó, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đây là một thử thách rất lớn, muốn thực hiện thành công thì quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn.
Trong sản xuất công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng: “Thể chế đóng vai trò rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển không chỉ của ngành công nghiệp mà cả ngành sản xuất nói chung. Chính vì vậy, tập trung tháo gỡ khó khăn trong thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ và mục tiêu xuyên suốt cũng như cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành địa phương".
Về nội dung khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn - nhìn từ phương diện quản trị địa phương, chia sẻ kinh nghiệm của Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - nhấn mạnh: Nguồn lực và động lực cho phát triển là vấn đề rất rộng lớn, có quan hệ chặt chẽ, chuyển hoá cho nhau. Từ thực tiễn của địa phương, Quảng Ninh nhận thấy nguồn lực chỉ được khơi thông, biến tiềm năng thành hiện thực khi nhận diện được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, mâu thuẫn, thách thức, định vị lại Quảng Ninh trong mối tương quan quốc gia, quốc tế.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, chia sẻ cách làm của tỉnh Quảng Ninh |
Cùng với tỉnh Quảng Ninh, nhiều địa phương cũng nêu kinh nghiệm đa dạng, phong phú của địa phương mình trong khai thác, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực vì sự phát triển bền vững, từ kinh nghiệm phát huy, kết nối các nguồn lực. Các bộ, ban, ngành và các nhà khoa học cũng có nhiều gợi mở, đề xuất có giá trị.
Ghi nhận những trăn trở các ngành, địa phương trong việc phân tích, đưa ra các giải pháp phát huy được nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội trong điều kiện thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Muốn phát triển, đầu tiên phải có quy hoạch chiến lược; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bằng những cơ chế chính sách kịp thời; chú trọng đến đổi mới sáng tạo trong thể chế; tổ chức lại không gian phát triển; quan tâm đến phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng để giải quyết các điểm “nghẽn” về hạ tầng, về chính sách; khơi dậy, phát huy sức mạnh văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam...