![]() |
Ảnh minh họa |
Báo cáo của đoàn công tác liên ngành cho thấy, sau gần 2 năm thực hiện Quyết định 2371, tính đến tháng 7/2016, tỉnh An Giang đã tiêu hủy 2.339.974 bao thuốc lá lậu; Tây Ninh 1.399.591 bao; Cần Thơ 250.000 bao; Đồng Tháp 1.197.385 bao; Long An 3.779.379 bao và TP. Hồ Chí Minh là 1.278.453 bao. Việc tổ chức tiêu hủy thực hiện đúng pháp luật, có sự giám sát của các lực lượng chức năng địa phương và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam.
Tuy nhiên, việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, được cho là gây lãng phí của cải xã hội. Ngoài ra, một số địa phương tổ chức tiêu hủy không thực hiện đúng địa điểm quy định gây ảnh hưởng đến môi trường, bức xúc dư luận; kho bãi chứa thuốc lá chờ tiêu hủy dễ gây ô nhiễm môi trường... Theo quan điểm này, tỉnh Long An kiến nghị Chính phủ cho tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.
Để Thủ tướng có cơ sở quyết định, Đoàn công tác liên ngành đã lấy ý kiến một số địa phương trọng điểm, theo đó, 4/6 địa phương kiến nghị tiếp tục tiêu hủy nhưng tăng kinh phí hỗ trợ. Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã báo cáo Chính phủ và đề xuất 2 phương án xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu trong thời gian tới để Thủ tướng quyết định: Thứ nhất, tiếp tục cho tiêu hủy nhưng tăng mức hỗ trợ từ 3.500 đồng/bao lên 5.500 đồng/bao. UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có phương án cụ thể để tiêu hủy thuốc lá tại các điểm xử lý rác thải tập trung, bảo đảm thân thiện với môi trường.
Thứ hai, thí điểm tái xuất kèm theo điều kiện: Công ty nước ngoài phải được Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại xác nhận đủ điều kiện tiêu thụ chủng loại thuốc lá tái xuất; Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại xác nhận từng lô thuốc lá tái xuất; công ty thu gom tái xuất phải được cơ quan chức năng Việt Nam xác nhận là doanh nghiệp đủ điều kiện thu gom, cam kết thực hiện nghiêm việc tái xuất, nâng giá mua tái xuất bằng giá thị trường, bãi bỏ toàn bộ kinh phí hỗ trợ tiêu hủy số thuốc lá không bảo đảm chất lượng tái xuất.