Tiếp nhận lưới điện nông thôn: Vẫn chưa hết khó!

Với sự đồng thuận của chính quyền địa phương, việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đã đạt kết quả khả quan, tuy nhiên ở một số địa phương công tác này vẫn còn gặp khó khăn do chưa tìm được tiếng nói chung.
\"\"
Việc chuyển giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý sẽ mang lại lợi ích cho người dân

Những vướng mắc về lợi ích

Ông Nguyễn Thanh - Phó giám đốc Công ty Điện lực (PC) Quảng Ngãi - cho biết, đến nay, 184 xã (100%) của tỉnh đã có điện; 98,5% số hộ dân được sử dụng điện. Tuy nhiên, trong số này PC Quảng Ngãi chỉ quản lý, bán điện trực tiếp đến khoảng 182.000 khách hàng, chiếm 54%. Số còn lại 46% do 6 công ty mua buôn điện nông thôn quản lý.

Năm 2014, PC Quảng Ngãi tiếp nhận 12 xã với 32.258 khách hàng từ Công ty Điện huyện Đức Phổ quản lý. Ngoài ra, còn tiếp nhận 11 công trình lưới điện trung, hạ áp do các ban quản lý, các huyện bàn giao với khối lượng 9,3 km đường dây trung áp, 12 trạm biến áp và 6,7 km đường dây hạ áp. Đơn vị đang làm thủ tục bàn giao lưới điện nông thôn của các xã thuộc huyện Sơn Tịnh. Hiện vẫn còn 4 công ty điện đang quản lý các xã thuộc huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và Minh Long chưa đồng ý bàn giao. Theo kế hoạch, năm 2015, công ty sẽ thu thập số liệu, lập phương án tiếp nhận lưới điện hạ áp các huyện nêu trên theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Thanh đưa ra 3 lý do cơ bản dẫn đến việc các tổ chức trên chưa chịu bàn giao lưới điện nông thôn: một là họ muốn PC Quảng Ngãi phải tiếp nhận hết số lao động hiện có (khoảng 280 người), trong khi đó, theo quy định ngành điện chỉ được phép tiếp nhận một phần lao động căn cứ vào khối lượng, định biên và trình độ lao động; hai là, các công ty này cho rằng mình vẫn hoạt động hiệu quả, có đóng góp cho địa phương về kinh tế và giải quyết lao động; lý do thứ ba quan trọng hơn là họ được hưởng mức lợi nhuận chênh lệch khá lớn giữa giá mua buôn và giá bán lẻ.

Phải vì lợi ích người dân

Theo quy định, việc để chênh lệch giá mua buôn, bán lẻ khoảng 20-30% nhằm giúp các tổ chức điện nông thôn bù đắp chi phí quản lý, đồng thời đầu tư nâng cấp hệ thống điện để bảo đảm chất lượng nguồn điện. Tuy nhiên, trên thực tế, ở nhiều vùng nông thôn, các tổ chức điện tư nhân do không đủ năng lực tài chính, yếu về quản lý, chuyên môn nghiệp vụ... dẫn đến hệ thống lưới điện, thiết bị đo đếm bị xuống cấp, hư hỏng. Dịch vụ thì yếu kém, gây bức xúc và thiệt thòi cho nhiều hộ dân nông thôn. 

Ông Thanh cho rằng, việc  chuyển giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý sẽ mang lại lợi ích cho các hộ dân, nhất là người nghèo. Họ sẽ được sử dụng nguồn điện chất lượng, an toàn với giá điện và dịch vụ gia tăng như hóa đơn điện tử, sửa chữa điện miễn phí, kịp thời khi có sự cố... Khi tiếp nhận lưới điện nông thôn, để tăng chất lượng điện cho khách hàng, ngành điện đã phải đầu tư, nâng cấp, thay thế nhiều thiết bị như đường dây, cột, xà, xứ, công tơ.... Mặt khác, sẽ giúp ngành điện triển khai các biện pháp kỹ thuật giảm tổn thất điện năng, hay tuyên truyền đồng bộ. Bên cạnh đó còn góp phần thực hiện tiêu chí điện nông thôn thực chất hơn.

“Chúng tôi không phản đối sự tồn tại của các tổ chức điện tư nhân nếu họ có đủ năng lực thực sự và hoạt động vì lợi ích chung của người dân” - Ông Thanh nói thêm.

Nhiều hộ dân ở một số xã chưa bàn giao cho biết, ai quản lý bán điện cũng được, miễn sao người dân được hưởng đúng chế độ của nhà nước quy định. Còn  với tình trạng yếu kém của các tổ chức điện tư nhân như hiện nay thì các hộ dân có mong muốn chung là được mua điện trực tiếp của ngành điện. 

Ông Nguyễn Thanh khẳng định: Để công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn được hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành điện cần có sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương.

Đình Dũng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận