Chính sách thuế ngày càng được hoàn thiện theo hướng thông thoáng, thuận tiện, có lợi hơn cho doanh nghiệp. Điều này đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho biết: “Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khẳng định, chính sách thuế là một trong những lợi thế của Việt Nam so với các nước khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanma… khiến họ cân nhắc quyết định việc đầu tư”.
![]() |
Hội thảo định hướng sửa đổi, hoàn thiện một số điều của các luật thuế |
Các khảo sát của VCCI cũng đã ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động của Bộ Tài chính, của ngành thuế.
Chỉ số cải cách - mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam, theo đánh giá môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã đứng trong TOP 4 của khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về thuế của Việt Nam cũng vẫn còn bộc lộ khá nhiều vấn đề cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện mới có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển. Dù mức độ thuận lợi về thuế đã được WB xếp trong TOP 4 của ASEAN, song thứ hạng so với thế giới vẫn còn rất thấp, mới chỉ đứng vị trí 86/190 nước trong bảng xếp hạng tính từ dưới lên.
![]() |
![]() |
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam phản ánh: Khó khăn đối với doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về thuế hiện nay là hệ thống thuế có quá nhiều văn bản sửa đổi, bổ sung lẫn nhau. Chẳng hạn, để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp qui định tại một số điều ở một Thông tư nào đó, cơ quan nhà nước ban hành một Thông tư mới để sửa, khi thực thi pháp luật, doanh nghiệp phải tuân thủ các qui định tham chiếu tại cả 2 Thông tư này. Bà Cúc dẫn chứng cụ thể, để thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp phải đọc và tham chiếu ít nhất là 15 Thông tư, chưa kể có những qui định chưa rõ ràng lại phải tìm các công văn hướng dẫn, thậm chí có những qui định ngay cả trong cơ quan thuế cũng có cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.
Ngoài ra, theo ông Đậu Anh Tuấn, liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách thuế, mỗi khi Bộ Tài chính đề xuất áp thuế hoặc tăng thuế một sản phẩm, dịch vụ hay đối tượng nào đó là khiến dư luận phản ứng, thậm chí có những phản biện trái chiều gay gắt. Một trong những nguyên nhân là do người dân, các đối tượng chịu sự tác động từ các sắc thuế chưa tiếp cận được đẩy đủ thông tin, cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật thuế cũng chưa có những nghiên cứu, đánh giá tác động của việc đánh thuế một cách đầy đủ, đa chiều, việc giải trình các lý do đánh thuế còn thiếu tính thuyết phục.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc đề xuất sửa đổi, hoàn thiện một số điều của các luật thuế lần này, Bộ Tài chính nên phổ biến thông tin đầy đủ cho người dân để họ có cơ sở tham gia góp ý, phản biện xây dựng chính sách. Trước khi đề xuất áp thuế, tăng thuế, cần có sự nghiên cứu thấu đáo, đánh giá những tác động của chính sách thuế tới nền kinh tế, xã hội một cách cụ thể, rõ ràng, thuyết phục, trên cơ sở tiếp cận vấn đề có tính toàn diện, đa chiều, lựa chọn phương án phù hợp nhất đảm bảo sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về thuế cần phải hoàn thiện theo hướng đảm bảo qui định rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, minh bạch, tránh chung chung khó hiểu, chồng chéo, rối rắm… gây phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Ở góc độ chuyên gia, ông Wayne Barford, Cố vấn Cao cấp của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế đã đưa ra một số nguyên tắc thực hành thuế tốt nhất, bao gồm đảm bảo tính đơn giản, nhất quán, minh bạch, chính phủ cần phối hợp và tham vấn các đơn vị, tổ chức liên quan và cả ngành công nghiệp để tiếp thu những ý kiến phản hồi và đánh giá nhằm đưa ra chính sách thuế phù hợp. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần tránh tình trạng tăng thuế một cách đột ngột, duy trì mức thuế suất tương xứng với khả năng chi trả và tạo văn hóa nộp thuế.