Thưa Bộ trưởng, năm 2018, lần đầu tiên Chính phủ có báo cáo riêng trước Quốc hội về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN. Báo cáo đã phản ánh được cơ bản sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với công tác dân tộc. Trong những kết quả đạt được, theo ông, đâu là vấn đề mang tính căn bản và đột phá nhất?
![]() |
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến: Có thể khẳng định, hệ thống chính sách dành cho vùng DTTS&MN đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Giai đoạn từ năm 2016 - 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 chương trình, chính sách. Trong đó có 15 chính sách tác động trực tiếp đến vùng DTTS&MN; 26 chính sách chung, gián tiếp tác động vùng DTTS&MN. Nguồn lực đầu tư phát triển cho khu vực này ngày càng tăng.
Những chính sách trên đã góp phần căn bản thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN. Đến nay, 98,4 % xã có đường ôtô đến trung tâm; hơn 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã vùng DTTS&MN có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
Điểm nhấn là tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS đã giảm rõ rệt. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%. Năm 2018, 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách huyện nghèo; 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo Chương trình 135. Đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cơ sở thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng.
Đặc biệt, trong những kết quả đạt được, điểm nổi bật là an ninh quốc phòng vùng DTTS&MN được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường và củng cố. Đồng bào các dân tộc không ngừng nỗ lực vươn lên, giữ vững niềm tin với Đảng, Nhà nước.
2018 là năm hoạt động hợp tác quốc tế được Ủy ban Dân tộc vào cuộc tích cực. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của các nguồn lực quốc tế đối với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN?
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến: Năm 2018, Ủy ban dân tộc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án \"Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS\" theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cùng với đó, Ủy ban dân tộc còn tích cực phối hợp nhiều đơn vị, các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số hoạt động quan trọng như: Tổ chức Diễn đàn \"Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp\"; Diễn đàn \"Sâm Ngọc Linh - tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS\"; Lễ tuyên dương các nhân tố tích cực trong đồng bào DTTS \"Khát vọng khởi nghiệp - bừng sáng bản làng\"; Cuộc thi \"Ý tưởng chuỗi giá trị\" dành cho đồng bào DTTS…; kêu gọi Đại sứ quán Ai-len tiếp tục viện trợ không hoàn lại 80 tỷ đồng đầu tư cho xã 135 ở 5 tỉnh; phối hợp với 5 tỉnh duyên hải miền Trung vận động vay vốn Ngân hàng ADB \"xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào DTTS\"…Có thể nói, cùng với nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn lực quốc tế có đóng góp không nhỏ vào việc tạo sự đổi thay tích cực ở nhiều vùng DTTS&MN.
![]() |
Nhiều ngôi trường vùng cao được xây dựng khang trang nhờ chính sách dành cho vùng DTTS&MN |
Bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay, vùng DTTS&MN vẫn là: Khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Vậy, đâu sẽ là những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác dân tộc giai đoạn tới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến: Thời gian qua, Đảng và nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS&MN. Đến nay, đời sống của đồng bào, cơ sở hạ tầng vùng DTTS&MN đã tiến xa \"một trời một vực\". Tuy vậy, để vùng DTTS&MN có những bước phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần phải giải quyết một số vấn đề căn cơ, bài bản hơn. Trong đó, cần nghiên cứu tích hợp các chính sách dành cho vùng DTTS thành chương trình tổng thể, tầm quốc gia với sự chỉ đạo quyết liệt và đầu tư nguồn lực thỏa đáng.
Sau khi xem xét báo cáo kết quả 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 74/2018/QH14 giao Chính phủ xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), để thực hiện từ năm 2021.
Trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng đề án cụ thể. Tinh thần chung, sẽ phân định vùng DTTS&MN phù hợp hơn với thực tế để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán; tích hợp chính sách, tập trung vào 3 nhóm: Chính sách theo vùng, chính sách theo lĩnh vực và chính sách theo nhóm dân tộc. Cơ chế thực hiện sẽ là \"giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi\" (thông qua ngân hàng chính sách xã hội) và \"hỗ trợ có điều kiện\". Đa dạng hóa nguồn lực (ngân sách nhà nước, xã hội hóa, nội lực của người dân…).
Trong quá trình tổ chức thực hiện, sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền vận động để người DTTS \"vượt qua chính mình\" không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; khai thác tiềm năng lợi thế so sánh để sản xuất hàng hóa, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị, như: Kinh tế rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Một trong những giải pháp căn cơ, quan trọng là phát triển giáo dục, y tế, nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ người DTTS để chính họ sẽ là nhân tố tích cực nhất thay đổi tư duy, hành động quyết liệt, lan tỏa, lôi cuốn đồng bào các DTTS làm theo.
Trong suốt quá trình nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách đối với vùng DTTS&MN phải quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước cùng phát triển, \"không để ai bị bỏ lại phía sau\".
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!