![]() |
Việt Nam - Ấn Độ cần tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch song phương |
Việt Nam và Ấn Độ đã ký Hiệp định hợp tác du lịch cấp Chính phủ từ năm 2001, và trong các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước gần đây, lĩnh vực du lịch luôn được ưu tiên bàn thảo. Đặc biệt, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng chỉ rõ nhiệm vụ phát triển thị trường khách du lịch là nhiệm vụ cấp thiết, ưu tiên mở rộng thu hút khách du lịch đến từ các thị trường mới, trong đó có Ấn Độ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết, hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độ đã có sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Nhiều hoạt động hợp tác du lịch song phương được triển khai hiệu quả. Trong đó, hàng loạt hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đã thu hút nhiều doanh nghiệp hai bên tham gia tại các hội chợ, các cuộc khảo sát, phát động thị trường…
Với sự ưu tiên của Chính phủ hai nước, cùng các hoạt động hợp tác du lịch sôi nổi, trong 5 năm qua, lượng khách Ấn Độ đi du lịch Việt Nam đã tăng gần 3,5 lần (344%), từ trên 16.000 lượt năm 2010 lên hơn 60.000 lượt năm 2015, và năm 2016 đạt con số 85.000 lượt. Khách du lịch Ấn Độ tại Việt Nam lưu trú trung bình khoảng 8 ngày, chi tiêu khoảng 914 USD/chuyến đi, cao hơn so với nhiều thị trường nguồn châu Á. Ngược lại, những năm gần đây, lượng khách Việt Nam đến Ấn Độ cũng tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là với khách du lịch hành hương.
Tuy nhiên, theo con số được Đại sứ Harish đưa ra, hiện lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam chỉ chiếm 1,7% tổng lượng khách Ấn Độ đến các nước ASEAN. “Hàng năm, có 16 triệu du khách Ấn Độ đi du lịch nước ngoài. Như vậy trao đổi khách hai chiều của Việt Nam và Ấn Độ vẫn hết sức khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh, mối quan hệ của hai nước. Từ thực tế này, chúng ta cần nỗ lực để cải thiện tình hình sớm nhất trong thời gian tới” - ông Harish nhấn mạnh.
Dự báo đến năm 2018, lượng khách du lịch Ấn Độ đi du lịch nước ngoài có thể đạt gần 30 triệu lượt. Khách Ấn Độ chủ yếu đến từ các thành phố lớn, có đường bay quốc tế như: New Dehli, Mumbai, Bangalore… Đối với điểm đến nước ngoài yêu thích của người Ấn trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp khá nhiều trở ngại trong khai thác thị trường Ấn Độ. Ông Nguyễn Công Hoan - Phó giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtour - cho hay, khách du lịch Ấn Độ sang Việt Nam thường quá cảnh qua Thái Lan, Singapore, Malaysia với mức giá vé cao hơn nên các doanh nghiệp du lịch Việt Nam rất khó cạnh tranh. Mặt khác, số lượng nhà hàng Ấn Độ ở Việt Nam không nhiều, quy mô nhỏ.
Trước thực tế này, để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch Ấn Độ, theo ý kiến từ các đại diện doanh nghiệp, Việt Nam cần mở đường bay trực tiếp từ các đô thị trung tâm Việt Nam đến thủ đô và các thành phố lớn của Ấn Độ và ngược lại. Tăng cường hợp tác lĩnh vực du lịch trên nhiều cấp, như nhà nước, địa phương và doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, có sản phẩm cụ thể và phù hợp cho đối tượng du khách của nhau, chú trọng xây dựng sản phẩm là điểm đến gắn với văn hóa, tâm linh. Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư, cải thiện dịch vụ ẩm thực, đơn giản thủ tục thị thực; tích cực quảng bá, thông tin về tiềm năng du lịch song phương.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ đẩy mạnh makerting điện tử, tăng cường hợp tác với các hãng hàng không, hãng phim nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường Ấn Độ, đồng thời đề xuất cải thiện về thủ tục visa để đưa du lịch hai bên phát triển tương xứng với tiềm năng. |