Thừa Thiên Huế: Cá độ bóng đá World Cup, hai thanh niên bị tạm giữ hình sựThừa Thiên Huế: Làm rõ thông tin nam sinh chặn đường đánh bạn |
Bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, số doanh nghiệp, đơn vị nợ bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp có chiều hướng gia tăng. Do đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi người lao động người lao động khi có phát sinh.
![]() |
Bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế thực hiện nhiều biện pháp đối với những doanh nghiệp, đơn vị nợ bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động |
Điển hình, trường hợp của công nhân Nguyễn Thị H. làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Takson Huế tại Khu công nghiệp Phú Bài từ nhiều năm qua, song đến khi bị bệnh phải nằm viện điều trị dài ngày, công nhân Nguyễn Thị H. bất ngờ thẻ bảo hiểm xã hội của mình không còn giá trị sử dụng. Sau khi tìm hiểu, bà H. mới biết do công ty còn nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế nên theo quy định, đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm y tế từ 30 ngày trở lên thì thẻ bảo hiểm y tế của toàn bộ người lao động đang tham gia bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế tại đơn vị bị tạm dừng giá trị sử dụng.
Cơ quan bảo hiểm Thừa Thiên Huế thông tin, tính đến ngày 18/11, Công ty TNHH Một thành viên Takson Huế chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế 7 tháng đối với 635 lao động, với tổng số tiền chậm đóng gần 5 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm nhiều nhất trên địa bàn.
Theo báo cáo của bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế, đến ngày 18/11 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 412 doanh nghiệp chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền gần 74 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp chậm đóng với số tiền lên tới hàng tỷ đồng, như Công ty CP Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế hơn 4,7 tỷ đồng, Công ty CP Cơ khí và xây dựng công trình 878 gần 3,6 tỷ đồng, Công ty CP Hàng không Lữ hành Việt Nam 2,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại vận tải San Hiền hơn 1,9 tỷ đồng…
Qua tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm, trong đó cơ bản nhất là từ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế … của chủ SDLĐ chưa tốt. Một số chủ sử dụng lao động nhận thức về trách nhiệm tham gia bảo hiểm… cho người lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài Nhà nước. Do vậy, việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng bảo hiểm … vẫn xảy ra. Thực tế cho thấy, có những trường hợp người sử dụng lao động hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia bảo hiểm… cho người lao động, nhưng vẫn cố tình không đóng các loại bảo hiểm, hoặc chỉ đóng cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn.
Bên cạnh đó, nhận thức của chính người lao động về chính sách bảo hiểm cũng chưa đầy đủ nên còn có những trường hợp đồng ý với chủ sử dụng lao động trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội ... Trường hợp hiểu biết về chính sách lại vì sức ép việc làm nên không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động để tự bảo vệ quyền lợi của mình… và một số doanh nghiệp nợ bảo hiểm gia tăng là do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sau nhiều năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong lĩnh vực xây dựng, thi công giao thông nợ bảo hiểm hàng tỷ đồng |
Trước thực trạng đó, Bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế có công văn đề nghị Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về thuế yêu cầu đơn vị chuyển nộp kịp thời cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền còn nợ và đưa nội dung yêu cầu đơn vị thực hiện chuyển nộp đầy đủ số tiền phát sinh hàng tháng và số tiền còn nợ cho bảo hiểm xã hội tỉnh vào kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế.
Đồng thời, hàng tháng, thông báo cho bảo hiểm xã hội tỉnh kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đối với các doanh nghiệp về lộ trình chuyển trả số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp nói trên. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, khu vực, TP. Huế phối hợp với bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã tăng cường công tác phối hợp đối chiếu dữ liệu và công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp nhằm chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong công tác thu nộp tiền đóng các loại bảo hiểm tại các đơn vị sử dụng lao động.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để khai thác, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế … Đồng thời, đôn đốc thu giảm nợ, thực hiện thu đạt kế hoạch về số người tham gia, số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo chỉ tiêu được Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Trong đó, thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tình trạng chậm đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp trên địa bàn; thông báo kết quả đóng bảo hiểm đến đơn vị sử dụng lao động để đôn đốc nộp tiền đầy đủ, đúng hạn; phân công lãnh đạo, cán bộ thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh để đôn đốc doanh nghiệp đóng bảo hiểm, không để phát sinh chậm đóng.
Một trong những giải pháp “mạnh tay” mà Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện đó là tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm; đối với đơn vị đã bị xử phạt nhưng chưa thực hiện hoặc cố tình chây ì thì ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền. Đồng thời, công khai danh sách chậm đóng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng với các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm với số tiền lớn, thời gian chậm kéo dài…
Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định xử phạt hơn 140 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần May mặc Triệu Phú (121 Tam Giang, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vì hành vi chậm đóng hàng trăm triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho công nhân. Cụ thể, tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp Công ty Cổ phần May mặc Triệu Phú chậm đóng là 363.615.056 đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội là 360.643.576 đồng, số tiền chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp là 2.971.480 đồng.