![]() |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị |
Hội nghị do Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan quản lý Nhà nước của Trung ương, địa phương trong khu vực Tây Nam bộ, Ngân hàng Thế giới (WB), các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ logistics.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những năm qua chi phí hoạt động logistics của Việt Nam chiếm đến 20-25% GDP cả nước. Trong khi đó, ở các nước phát triển, chi phí logistics chỉ chiếm 7-10% GDP. Do vậy, việc giảm chi phí logistics sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập.
Theo Phó Thủ tướng, vùng ĐBSCL được đánh giá là vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam với lợi thế chủ yếu về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thị trường logistics tại khu vực này hiện còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa phát huy đầy đủ vai trò để góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường và phải phù hợp xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, việc phát triển dịch vụ logistics ở ĐBSCL sẽ là yếu tố quan trọng để phát triển, tối ưu mạng lưới cung ứng hàng hóa của vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế này. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc giảm chi phí logistics bao gồm nhiều yếu tố tài lực, vật lực, nhân lực vì thế cần có định hướng cụ thể và xây dựng khung chính sách pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển.
Tại hội nghị, Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng đã trình bày các tham luận về thực trạng hạ tầng giao thông vận tải tại khu vực ĐBSCL cũng như những triển vọng, quy mô phát triển và thu hút đầu tư vào ngành logistics tại khu vực ĐBSCL trong thời gian tới. Đại diện một số địa phương, một số nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics tại khu vực đã chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, cũng như những khó khăn, vướng mắc và các đề xuất nhằm kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho biết, hiện Bộ GTVT đang quyết tâm thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, xuất khẩu nông thủy sản. Bộ cũng đề nghị các tỉnh thành trong vùng, các DN cần tập trung, tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nói chung và ngành dịch vụ logistics cho vùng ĐBSCL nói riêng.
Cũng liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực logistics, ông Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng cần có các chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng nói chung và logistics nói riêng. Đến nay tổng đầu tư phát triển hạ tầng của WB tại vùng ĐBSCL đã lên đến 1 tỷ USD. WB cũng đang tiến hành nghiên cứu khả thi về vận tải nội địa trong khu vực ĐBSCL và sẵn sàng hỗ trợ để phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia cho vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trao đổi với ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam bên lề hội nghị |
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác, hỗ trợ phát triển logistics tại khu vực. Về phía DN, Tập đoàn Xi măng Vissai và Công ty Thế giới Nhà đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển xi măng với số vốn đầu tư 100 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Hưng Phú 1 - Cần Thơ...
![]() |
Các DN ký kết biên bản hợp tác đầu tư phát triển trên lĩnh vực logistics tại ĐBSCL |
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần nhìn nhận logistics là ngành kinh tế dịch vụ đa ngành, có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, DN, hiệp hội... Các địa phương cần quán triệt tinh thần của Chính phủ tạo thuận lợi nhất cho DN trong đầu tư kinh doanh, kết nối các Bộ ngành nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển logistics. Bởi nhu cầu thu hút đầu tư logistics ở Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng được đánh giá là rất lớn. Chính phủ chủ trương khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cam kết xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực này.
Ngay tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao cho Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các chính sách đầu tư phát triển nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành logistics. Ngay sau hội nghị, Bộ Công Thương cần nhanh chóng hoàn thiện và trình Chính phủ sớm nhất kế hoạch hành động “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam”.