![]() |
Giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, hội nghị lần này là kết quả của một chương trình nghiên cứu được thực hiện nhiều năm qua giữa Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, UBND tỉnh Gia Lai với các đơn vị thực hiện là Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai.
Việc nghiên cứu khảo cổ học thời đại đá cũ luôn là mối quan tâm của giới khảo cổ học Việt Nam trong nhiều chục năm qua. Những phát hiện về đồ đá cũ ở núi Đọ (tỉnh Thanh Hóa), Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) chỉ như những tia sáng chợt lóe, chưa đủ độ tin cậy để thuyết phục giới nghiên cứu khảo cổ học trên thế giới. Viêc phát hiện, khai quật và nghiên cứu nhóm di tích thời đại đá cũ ở An Khê (Gia Lai) có ý nghĩa vô cùng quan trọng, những tư liệu thu được bước đầu có giá trị quan trọng cho việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử quốc gia, hướng tới xây dựng vùng An Khê thành trung tâm lịch sử, văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học đánh giá, năm 2014, một chương trình nghiên cứu với mục tiêu khảo sát, đánh giá thực tế hệ thống các di chỉ khảo cổ học vùng thượng du sông Ba, kết quả thật bất ngờ, gần 30 di chỉ khảo cổ học được phát hiện, một số di chỉ trong số này được xác định thuộc giai đoạn Paleolithic. Các cuộc khai quật trong các năm 2015, 2016 tại các điểm Gò Đá, Rộc Trung (An Khê - Gia Lai) đã phát hiện nhiều công cụ ghè đẽo thô sơ, đặc biệt với các rìu tay điển hình và các mảnh Tectit trong tầng văn hóa ổn định với niên đại bước đầu tạm xác định trong khoảng 77 - 80 vạn năm, ghi nhận sự xuất hiện một giai đoạn sơ kỳ đá cũ ở việt Nam, ghi nhận sự xuất hiện của con người thời tối cổ, người vượn đứng thẳng, tổ tiên trực tiếp của con người hiện đại trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Những kết quả khi được xác nhận một cách chắc chắn sẽ làm thay đổi quan niệm của một số học giả không thừa nhận có một giai đoạn sơ kỳ đồ đá cũ ở khu vực Đông Nam Á, coi đây như một khu vực của sự bảo thủ trì trệ. Mặt khác, kết quả cũng cho thấy tiềm năng to lớn về khảo cổ học ở Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, bà Huỳnh Nữ Thu Hà cũng nhìn nhận, ẩn sâu trong lòng đất cao nguyên Gia Lai còn lưu giữ mãi với thời gian là những di chỉ khảo cổ đã và đang dần được phát lộ, mang lại cho địa phương một dáng dấp, vị thế mới về lịch sử, văn hóa. Trong nhiều chục năm qua, Gia Lai đã được biết đến là một địa danh có nhiều di chỉ khảo cổ học như Biển Hồ, Trà Dôm (Pleiku) và đặc biệt lần này là những thông tin mới, độc đáo từ Rộc Tưng, Gò Đá (An Khê), hy vọng từ những phát hiện trên sẽ mở ra những nhận thức mới về khảo cổ học, về văn hóa, lịch sử của địa phương cũng như toàn khu vực.