Thợ vàng Hàng Bạc

“Thợ vàng Hàng Bạc” là nhan đề bài viết của tác giả, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, xin được gửi đến quý vị cùng theo dõi và lắng nghe.

Bài viết:

Bây giờ khách tới tham quan phố Hàng Bạc chủ yếu thấy các cửa hàng buôn bán vàng bạc và các trụ sở công ty du lịch nhỏ. Nhưng vài ba mươi năm trở về trước, phố chủ yếu là những cửa hàng cửa hiệu kiêm xưởng thợ kim hoàn nhỏ.

Nghề kim hoàn Việt Nam được phân ra ba chuyên ngành truyền thống theo ba dạng thức chế biến sản phẩm. Đó là hàng trơn, hàng chạm và hàng đậu. Ở phố Hàng Bạc, người gốc Châu Khê Hải Dương chuyên làm hàng trơn. Người gốc Đồng Xâm, Thái Bình chuyên làm hàng chạm. Còn người gốc Định Công, Hà Nội chuyên làm hàng đậu.

Những người thợ gốc Châu Khê

So với những cửa hiệu kim hoàn trên phố Hàng Bạc, thì hiệu vàng Kim Thịnh ở số nhà số 43 thật quá đỗi bé nhỏ, sơ sài. Bởi vì nhà ông bà Dậu, chủ cửa hiệu, không kinh doanh mà chỉ gia công, sửa chữa đồ trang sức vàng bạc. Kinh doanh buôn bán thì thuế cao, vợ chồng già không đương nổi, đành cọc cạch hàng ngày kiếm đủ tiền chi dùng cho gia đình. Thế cũng đã là khá. Nhưng ngẫm lại, cũng có lúc chạnh buồn. Bởi vì ông Dậu chính là người thợ kim hoàn cao tuổi nhất trên phố Hàng Bạc còn đang theo đuổi nghề gia truyền. Ấy là cái nghiệp mà cả hai vợ chồng ông bà, cũng như hàng trăm gia đình dân phố Hàng Bạc, gốc làng Châu Khê, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương theo đuổi từ khi còn nhỏ. Ở tuổi ngót nghét bẩy mươi, với hơn nửa thế kỷ làm nghề, đã có biết bao nhiêu chiếc vòng xuyến, hoa hột từng qua đôi bàn tay ông mà thành hình. Thế mà vào cái thời bao cấp khó khăn, ngặt nghèo, đã có năm ông bà Dậu phải chuyển nghề làm ăn, mới đủ sinh sống. Bộ đồ nghề gia truyền, ông phải dấu diếm mãi mới còn giữ lại được, chứ hễ lộ ra ngày ấy, thì bị bắt phạt khốn khổ chứ chả chơi. Từ năm 1990, trong cơ chế kinh tế mở cửa, ông bà mới nhúc nhắc mở lại cửa hiệu con con này. Nhưng bây giờ, tóc ông thợ đã bạc trắng, đôi mắt đã kém phần tinh tường. Nhìn dáng ông còng còng ngồi bên ngọn lửa đèn nghề xanh lét, bà thương lắm.

Kém ông Dậu chừng mươi tuổi, ở nhà số 10 đầu phố Hàng Bạc, dưới tên biển hiệu Tân Dung, ông Tân cũng đã có ngót nửa thế kỷ theo nghề. Ông cùng là người họ Phạm và cùng là đồng hương Châu Khê với ông Dậu. Dòng họ Phạm là một dòng họ lớn ở Châu Khê. Các bậc tiền nhân của dòng họ xa xưa đã từng lên kinh đô làm nghề đúc bạc cho ngân khố quốc gia, tương truyền từ thời Lý.

Đến thời Lê, phố Hàng Bạc đã được nhắc đến là một trong 36 phố phường sầm uất nhất của kinh thành Thăng Long - Đông Kinh, với trung tâm là kho đúc bạc của nhà vua ở di tích đình Hàng Bạc hiện thời, tại số nhà 42, cùng hàng loạt các cửa hiệu đổi bạc kế bên, tiền thân của những hiệu kim hoàn sau này.

Bao đời nay, thế giới của những người thợ vàng dường như vẫn chỉ gói gọn trong một ô đất nhỏ chưa đầy một thước vuông. Chiếc bàn gỗ cóc gặm, những thứ đồ lề cũ kỹ, lắm cái đã mòn vẹt, nhuốm màu thời gian. Sản phẩm làm ra từ đôi bàn tay họ cũng bé nhỏ, nhẹ cân nhưng thật đắt giá, có khi là cả khối tài sản chắt chiu một đời người hay có thể là một kỷ vật lưu niệm vô giá.

Để theo đuổi được một cái nghề suốt đời sống bên vàng ròng, bạc chảy, bài học khai tâm từ thuở chập chững vào nghề đến khi tóc ngả màu sương, ông Tân vẫn khắc ghi trong tâm khảm. Ấy chính là bài học chỉ một chữ, chữ Tín. Có một đồng nghiệp trẻ của chúng tôi đã viết rất kỹ về một người thợ kim hoàn đặc biệt của phố Hàng Bạc trên báo VNExpress:

"Từ nhiều năm qua, tọa tại số 83 Hàng Bạc là căn nhà nhỏ sâu hun hút, giữa các cửa hàng khác với biển hiệu sáng trưng và sầm uất. Hầu như những vị khách lần đầu ghé chân đều thấy ngạc nhiên, bởi nó như chứa đựng một Hà Nội xưa cũ. Đó là cửa hàng chế tác trang sức truyền thống của gia đình ông Nguyễn Chí Thành, 71 tuổi.

undefined

Ông Nguyễn Chí Thành bên bàn làm việc của mình. Ảnh: Ngân Dương.

Tiếng búa lục đục, tiếng mài kim loại ken két lẫn với tiếng nhạc xưa là những thanh âm quen thuộc ngày ngày phát ra tại cửa hàng của ông Thành. Đôi mắt chăm chú nhìn vào miếng vàng trắng nguyên bản, môi mím chặt, ông dùng thanh kim loại dài tỉ mần khắc từng chi tiết.

Trước mặt người thợ thủ công ấy treo một bóng đèn tròn, bên ngoài là nửa vỏ lon bia ông tự chế thành chụp đèn. Những vỏ lon bia là hộp đựng, cái bát sứt để chứa những đồ vụn vặt... Hầu hết đồ dùng được truyền từ đời này sang đời kia, các vật dụng hoen rỉ đã nhuốm màu thời gian. Chiếc bàn làm việc của ông chẳng khác gì một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt".

Hồng Châu vang bóng một thời

Bà Phạm Thị Lộc ở nhà 34 phố Hàng Bạc giờ đây có thể được coi là người phụ nữ cao tuổi nhất còn giữ nghề, nhưng ở một vị thế khác. Học nghề gia truyền từ năm 13 tuổi, với thâm niên trên 60 năm làm hàng, hiện nay, bà vẫn đương nhiệm chức chủ tịch hội mỹ nghệ kim hoàn Việt Nam. Bà đã có gần 40 năm làm nhân viên rồi làm chủ nhiệm hợp tác xã mỹ nghệ kim hoàn Hồng Châu, thuộc quận Hoàn Kiếm. Vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, nhà nước tiến hành quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, chế tác vàng bạc đá quý và đưa thợ thủ công mỹ nghệ vào cơ chế sản xuất tập thể.

Thế là hơn một trăm người thợ kim hoàn giỏi nghề ở Hà Nội, chủ yếu là thợ Hàng Bạc đã được trưng tập vào hợp tác xã Hồng Châu, số khác vào công ty mỹ nghệ kim hoàn Hà Nội.

Trải hơn ba mươi năm trời, lớp thợ đầu đàn hầu hết đã ở vào tuổi xưa nay hiếm. Người thì đã khuất núi, người thì về quê dưỡng lão, người trở lại phố cũ mở cửa hàng riêng. Đến nay, thực sự chỉ còn hơn hai mươi xã viên còn gắn kết với Hồng Châu (thời điểm năm trước sau năm 2000). Có thể cả vì hai lẽ. Trước nhất vì tình yêu nghề tha thiết, sau cũng là vì kế sinh nhai hàng ngày. Thợ kim hoàn tự xưa, nếu không thật giàu có, cũng chẳng thể nghèo nàn thiếu thốn.

Trong gian nhà xưởng đơn sơ, xập xệ ở giữa phố Hàng Bồ kế bên phố Hàng Bạc, những gương mặt khắc khổ vẫn chăm chú, kiên nhẫn, lặng lẽ cúi sát bên những khuôn bàn cũ kỹ. Người dũa, người mài, người cưa, người chuốt... Tất thảy họ như đang bình thản bỏ ngoài tai bao nhiêu âm thanh sôi động của phố phường Hà Nội những tháng ngày đã sang thế kỷ mới. Và dưới những đôi tay thợ Hồng Châu, bao vẻ đẹp của bạc vàng, châu báu trên đời vẫn đang hé lộ, long lanh, chói sáng.

Đã bao năm, sản phẩm của người thợ Hồng Châu từng nức tiếng trong và ngoài nước, nhất là trên thị trường Đông Âu. Giờ đây, dù trong thời buổi cạnh tranh quyết liệt, người thợ Hồng Châu vẫn luôn đặt hai chữ danh dự và uy tín lên hàng đầu. Những khách hàng kỹ kén ở Hà Nội vẫn tìm đến với Hồng Châu, chính là vì nhẽ ấy.

Bây giờ, ở hợp tác xã Hồng Châu, nghệ nhân lão làng Phạm Thị Lộc và lớp thợ nghề cao tuổi lại đang đặt hy vọng vào người thợ trẻ nhất. Anh Nguyễn Anh Tuấn mê nghề kim hoàn của gia đình từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Mười tám tuổi chính thức vào nghề ở hợp tác xã, giờ đây, anh đã có thâm niên hơn chục tuổi nghề. Theo lớp cha anh đi trước, anh đã gắn bó với Hồng Châu trong thời kỳ gian khó nhất mà không hề nhụt chí. Tâm nguyện của anh Tuấn cũng như tâm nguyện của những người thợ kim hoàn Hàng Bạc hôm nay, giản đơn nhưng thiết thực, gần gũi với cuộc sống đời thường. Anh ước mong được học thêm những kỹ thuật chế tác vàng bạc của thợ kim hoàn nước ngoài, và mong mỏi ngành kim hoàn Hà Nội sớm đầu tư một dây chuyền sản xuất đồ mỹ nghệ kim hoàn hiện đại, hợp thị hiếu và sở thích của khách hàng trong và ngoài nước.

Dầu cũ nghề xưa còn mất?

Nghề kim hoàn Việt Nam được phân ra ba chuyên ngành truyền thống theo ba dạng thức chế biến sản phẩm. Đó là hàng trơn, hàng chạm và hàng đậu. Ở phố Hàng Bạc, người gốc Châu Khê Hải Dương chuyên làm hàng trơn. Người gốc Đồng Xâm, Thái Bình chuyên làm hàng chạm. Còn người gốc Định Công, Hà Nội chuyên làm hàng đậu.

Làm hàng trơn đơn giản nhất, như thể đánh nhẫn, đánh khuyên tai hay vòng tay, vòng cổ... theo lối cũ.

Làm hàng chạm là đặt lá vàng lá bạc hay vật dụng cốc chén bình lọ lên một khối xi dẻo rồi áp mẫu hoa văn vào mà chạm theo các đường nét. Sau đó, gỡ tấm vàng bạc hoặc các vật dụng kể trên khỏi khối xi dẻo đem đi đánh bóng, hoàn thiện.

Làm hàng đậu tức có nghĩa là người thợ chuốt hoặc kéo cho vàng bạc thành những sợi dài nhỏ như sợi tóc, rồi dùng các dụng cụ chuyên dụng để uốn các sợi vàng bạc ấy theo các hình hoa lá, chim muông sống động. Rất kỳ công.

Thời trước, ở phố Hàng Bạc và ở hợp tác xã Hồng Châu, ngoài thợ gốc Châu Khê chiếm số đông, còn một số thợ gốc Đồng Xâm và Định Công. Những năm cuối thập niên chín mươi của thế kỷ trước, cả phố Hàng Bạc chỉ còn đôi ba gia đình người góc Đồng Sảm ở dây bên số chẵn sinh sống, song cũng không còn làm nghề nữa

Cửa hàng kim hoàn Thu Hồng ở số nhà 149 Hàng Bạc bây giờ do cô con dâu ông thợ Định Công Nguyễn Hữu Chỉnh, một người thợ lão làng trong nghề đậu trông nom. Như nhiều người thợ ở tuổi mắt mờ, chân chậm, cụ Chỉnh đã thôi nghề, về quê nghỉ dưỡng lão từ lâu.

Bây giờ, cả làng Định Công cũng chỉ còn dăm bẩy hộ gia đình còn gọ gằng theo nghề Tổ. Chủ yếu là mấy gia đình anh em người họ Quách với hai nghệ nhân nổi danh là Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu. Hàng hóa được gửi bán trên phố Hàng Bạc và trên các cửa hàng thủ công mỹ nghệ rải rác trên các phố trung tâm.

Việc sản xuất nghe cầm chừng, kém sôi động, khác với thời dân làng nô nức làm hàng gia công xuất khẩu theo đơn đặt hàng của công ty mỹ nghệ xuất khẩu trung ương.

Nhìn những cánh bướm, bông hoa, vòng tay, kiềng cổ, vô cùng tinh xảo, mỹ lệ của người thợ Định Công, ai đó cứ thắc mắc hoài không hiểu tại sao mà hàng hóá lại có thể chậm lưu thông đến vậy? Hay là tại đầu ra chưa được khơi thông rộng rãi. Mà chuyện đó, đôi khi nằm ngoài tầm tay của những người thợ.

Dầu không còn coi đây là một nghề kiếm sống chủ yếu, song những người thợ khéo Định Công vẫn tận tâm lựu giữ nghề truyền thống độc đáo của cha ông. Phương ngôn cổ Hà Nội từng có câu: Thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã. Và họ vẫn mong ước, đến một ngày nào đó, nhờ phương thức xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ được đổi mới, sản phẩm của làng nghề sẽ lại cất cánh vươn xa.

Phố Hàng Bạc trong thời kinh tế mở cửa và hội nhập đã thực sự hồi sinh và phát triển, song chủ yếu chỉ là trên phương diện kinh doanh, buôn bán, trao đổi. Nhà cửa chật chội, tiền công lao động thấp, việc sản xuất, chế tác đương nhiên bị thu hẹp. Tuy nhiên, người trên phố vẫn sử dụng nguồn hàng hóa sản xuất từ các làng nghề truyền thống quê hương. Bên cạnh đó là vô vàn những mặt hàng từ miền Nam chuyển ra hay từ nước ngoài nhập về. Khách nước ngoài tìm đến mua đồ trang sức và lưu niệm trên phố ngày nào cũng hàng trăm người có lẻ.

Cũng ở tuổi thất thập, ông Nguyễn Danh Tú, chủ hiệu kim hoàn Phúc Thành, một cửa hiệu kinh doanh vào loại lớn trên phố Hàng Bạc, nay đã có thể yên tâm nghỉ ngơi. Ngọn lửa đèn nghề trao lại cho hai đứa con một trai, một gái. Nhưng việc kinh doanh bây giờ dễ hơn xưa mà cũng có phần khó hơn xưa. Ngoài việc nắm được những ngón nghề gia truyền, người thợ kim hoàn thời nay lại không thể không học hỏi thêm các mẫu mã sản phẩm hiện đại của nước ngoài và ngay của những người thợ trong Nam. Duy chỉ có bí quyết giữ chữ Tín trong làm ăn, kinh doanh là thời nào cũng vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Phố Hàng Bạc sang thế kỷ XXI đã có nhiều đổi khác. Hàng chục trụ sở công ty du lịch lữ hành đan xen bên những cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch và những cửa hàng vàng bạc nay đã được sửa sang cho sáng sủa rực rỡ hơn.

Rời dãy phố Hàng Bạc, có lẽ ai đó sẽ lưu lại trong tâm trí một hình ảnh rất đặc biệt. Trong cửa hiệu kim hoàn nào cũng có một tấm gương thật lớn. Trước mặt người thợ kim hoàn nào cũng có một ngọn đèn thật sáng. Và ngọn lửa nghề nhỏ bé vẫn luôn luôn rực cháy khôn nguôi.

Nội dung bài viết đến đây xin được tạm dừng, cảm ơn quý vị đã dành thời gian lắng nghe. Thân ái chào tạm biệt quý vị và các bạn!

Thanh Thảo - Phú Thành
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận