Thị trường trực tuyến: Cơ hội cho doanh nghiệp "ngược dòng" ngoạn mục sau đại dịch

Các giải pháp tiếp thị, bán hàng trực tuyến trong giai đoạn bình thường mới giúp các doanh nghiệp kinh doanh dễ dàng và tăng trưởng nhanh hơn sau đại dịch.

Tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 (VOMF 2021) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức ngày 15/12, bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, theo báo cáo Google và Temasek, từ đầu dịch tới giữa năm 2021, số người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng hơn 8 triệu người. Con số cho thấy sự chuyển biến về hành vi tiêu dùng của người dân, kéo theo đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các doanh nghiệp cần mau chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thuật ngữ về thương mại điện tử, tiếp thị trực tuyến trở nên rất phổ biến và trở thành nhu cầu cấp thiết mà các doanh nghiệp cần mau chóng chuyển mình.

bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)
Bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại VOMF 2021, không ít chuyên gia, doanh nghiệp đều chung khẳng định, bối cảnh “bình thường mới” đòi hỏi các doanh nghiệp áp dụng những chiến lược mới để tồn tại, phát triển. Lúc này, doanh nghiệp cần khai thác tối đa những lợi ích từ online marketing để tăng khách hàng, tăng doanh thu trong thời gian ngắn nhất...

Đưa ra những cập nhật mới về xu hướng mua sắm tiêu dùng của thế giới cũng như Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Hưng- Giám đốc khách hàng chiến lược Công ty CP Mạng trực tuyến META chỉ ra 5 xu hướng sẽ trở nên phổ biến trong những năm tiếp theo. Bao gồm thực tế ảo và thực tế tăng cường; thương mại xã hội; ngày hội mua sắm; sáng tạo nội dung và video trên mạng xã hội.

Theo ông Hưng, thương mại xã hội sẽ là xu hướng tất yếu trong năm 2022, bởi trên thực tế, việc kinh doanh mua sắm mang tính xã hội có tác động rất lớn đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng có xu hướng khám phá các sản phẩm họ yêu thích thông qua các bản tin, trang News Feed và từ đây họ kì vọng có thể tìm kiếm được sản phẩm phù hợp cho mình. “Nếu doanh nghiệp duy trì được việc giao tiếp với khách hàng sẽ là chìa khóa để tạo tăng trưởng cho doanh nghiệp. Ở Việt Nam hiện nay, hơn 1/2 số giao dịch đã được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử và các đơn hàng trên mạng xã hội đang tăng gấp đôi so với các kênh truyền thống”, ông Hưng chỉ ra.

Các diễn giả tham gia thảo luận chủ đề “Các giải pháp hiệu quả cho marketing trong giai đoạn bình thường mới”
Các diễn giả tham gia thảo luận chủ đề “Các giải pháp hiệu quả cho marketing trong giai đoạn bình thường mới”

Tập trung phân tích sâu vào chủ đề “Marketing Automation trong bán lẻ và giải pháp cho doanh nghiệp”, bà Trần Thị Thùy Dương- Trưởng phòng Tiếp thị Kỹ thuật số, Công ty CP Công nghệ Sapo khẳng định, đây là nền tảng công nghệ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường hiệu quả trên hàng loạt các kênh online như: Facebook, Instagram, Lazada, Shopee, Zalo, SMS… một cách hoàn toàn tự động. Qua đó, doanh nghiệp có thể lên kế hoạch cho các chiến dịch, xây dựng nhiều nội dung khác nhau phù hợp với từng phân khúc khách hàng, giúp tăng lợi nhuận. Các quá trình huy động vốn phải thực hiện thủ công trở nên tự động, hiệu quả và kết hợp ăn ý với nhau hơn.

Theo bà Trần Thị Thùy Dương, bán lẻ của Việt Nam theo phương thức truyền thống tập trung vào sản phẩm với mô hình chuỗi cung ứng mua rẻ, bán đắt, tối ưu hóa các khâu giữa, trải nghiệm tại cửa hàng.

Tuy nhiên, bán lẻ kỹ thuật số lại tập trung vào trải nghiệm khách hàng với mô hình chuỗi giá trị số thu thập dữ liệu (khách hàng, sản phẩm, địa điểm…), biến dữ liệu thành hiểu biết, biến hiểu biết thành hành động, tạo ra trải nghiệm số cả hành trình khách hàng.

Dịch vụ bán lẻ nên sử dụng marketing automation bởi tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực, rút ngắn thời gian xây dựng mối quan hệ với khách hàng, tiếp cận theo mức độ ưu tiên, mang lại trải nghiệm nhất quán, cá nhân hóa cho khách hàng”, bà Trần Thị Thuỳ Dương nêu cụ thể.

VOMF 2021 là sự kiện chính thống về tiếp thị trực tuyến với quy mô toàn quốc, đây là năm thứ 6 sự kiện được tổ chức tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Theo đó, VOMF 2021 đón nhận sự quan tâm nồng nhiệt của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân khởi nghiệp, các tổ chức – cơ quan – đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Marketing, thương mại điện tử trên khắp cả nước. Có thể nói, VOMF 2021 chính là sự kiện Online Marketing quy mô cấp quốc gia được mong đợi nhất năm 2021.
Lan Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận