Thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển theo chiều sâu

Tổng kết của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về diễn biến giao dịch trên thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt (TPCP) qua 5 tháng đầu năm 2017 cho thấy, thị trường TPCP đang đi vào giai đoạn phát triển chiều sâu.
\"\"
Thị trường trái phiếu có tốc độ tăng trưởng cao

5 tháng đầu năm, tổng giá trị giao dịch repo (giao dịch mua bán lại) đã đạt ngưỡng tương đương với tổng giá trị giao dịch outright (giao dịch giao ngay), thậm chí có những thời điểm giá trị giao dịch mua bán lại đã có sự lất át so với giá trị giao dịch giao ngay.

Trong giao dịch mua bán lại, một bên bán trái phiếu cho một bên khác ở một mức giá tại thời điểm giao dịch và cam kết mua lại trái phiếu có thể thay thế từ bên thứ hai tại một mức giá khác vào một ngày trong tương lai. Nếu người bán không trả được nợ trong suốt thời hạn giao dịch mua bán lại, người mua có thể bán trái phiếu đó cho bên thứ ba để bù đắp tổn thất của mình. Trái phiếu là một công cụ đầu tư có lãi suất ổn định nên các nhà đầu tư thường nắm giữ trái phiếu từ khi mua đến khi trái phiếu đáo hạn, họ chỉ thực hiện giao dịch mua bán lại trái phiếu để kiếm lời thay vì bán đứt trái phiếu như trong giao dịch giao ngay.

Tại các nước có thị trường trái phiếu phát triển mạnh trên thế giới, các giao dịch mua bán lại thường chiếm tới 60-80% giá trị giao dịch toàn thị trường, còn các giao dịch giao ngay thường chiếm khoảng 20-40% tổng giá trị giao dịch trên thị trường. Tại thị trường trái phiếu của Mỹ, giá trị giao dịch mua bán lại chiếm tới 80-90% giá trị giao dịch của toàn thị trường. Tính thanh khoản của các giao dịch mua bán lại được xem là thước đo độ phát triển, độ sâu của các thị trường trái phiếu.

Thị trường TPCP chuyên biệt tại Việt Nam sau gần 8 năm hoạt động, đến nay đã đạt nhiều bước tiến về thanh khoản thị trường, đa dạng về sản phẩm, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống giao dịch. Đặc biệt, từ năm 2016, thị trường TPCP Việt Nam đã ghi nhận bước tiến mới khi tỷ trọng giá trị giao dịch mua bán lại đã đạt gần tương đương với tỷ trọng giá trị giao dịch giao ngay, đạt mức gần 40% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Điều này cho thấy, thị trường TPCP Việt Nam đã đi vào giai đoạn phát triển về chiều sâu.

Bước sang năm 2017, xu hướng phát triển theo chiều sâu tiếp tục được khẳng định, bởi sau 5 tháng đầu năm, tỷ trọng giá trị giao dịch mua bán lại trên thị trường TPCP đã xấp xỉ bằng tỷ trọng giá trị giao dịch giao ngay, chiếm 48,23% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường.

Cụ thể, tính đến ngày 25/5/2017, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường TPCP đạt 706.502 tỷ đồng, trong đó giao dịch giao ngay là 365.689 tỷ đồng, còn giao dịch mua bán lại cũng đã đạt 340.812 tỷ đồng. Trong những tháng gần đây, giá trị giao dịch mua bán lại TPCP thậm chí còn vượt cả giá trị giao dịch giao ngay, trong khi tổng giá trị giao dịch giao ngay tháng 3,4,5 là 214.007 tỷ đồng, thì tổng giá trị giao dịch mua bán lại đạt 247.639 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch chung trên thị trường TPCP bình quân phiên 5 tháng đầu năm đã đạt 7.516 tỷ đồng/phiên, cao hơn 18,3% so với giá trị giao dịch bình quân phiên của cả năm 2016, cao gấp 20,5 lần so với giá trị giao dịch bình quân phiên của năm 2009 khi thị trường TPCP chuyên biệt của Việt Nam mới được khai trương hoạt động.

Mặc dù quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam mới bằng khoảng 36,9% GDP, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển, song thị trường trái phiếu Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất các nền kinh tế mới nổi ở khu vực Đông Á và đang phát triển theo chiều sâu.
Ngọc Lan
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận