Thị trường ngoại hối 6 tháng cuối năm: Những kịch bản chờ “sóng”

Được đánh giá là có những diễn biến khá phức tạp so với 3 năm trở lại đây, thị trường ngoại hối trong nước 6 tháng đầu năm 2015 chứng kiến những cơn sóng đầy bất ngờ của tỷ giá, biên độ điều hành 2% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cũng được dùng hết. Theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu BIDV, thị trường ngoại hối có thể xuất hiện những biến động mạnh hơn trong quý cuối năm.

\"\"

Thị trường ngoại hối có thể xuất hiện những biến động mạnh trong quý cuối năm

Tỷ giá có thể biến động mạnh trong quý IV

Theo báo cáo đánh giá diễn biến thị trường ngoại hối Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2015 vừa được Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố, không chỉ có những diễn biến khá phức tạp mà 2 quý đầu năm 2015, thị trường ngoại hối trong nước đã có nhiều điểm khác biệt so với giai đoạn 3 năm gần đây 2012-2014. Tỷ giá USD/VNĐ xác lập xu hướng tăng và dao động trong biên độ rộng 21.350 -21.850 đồng/USD.

Thực tế cho thấy, mặc dù thanh khoản được duy trì tốt nhưng nguồn cung ngoại tệ không còn ở trạng thái dồi dào, vượt trội so với nhu cầu mà trở nên cân bằng hơn. Tại thời điểm cuối tháng 6/2015, tỷ giá USD/VNĐ vào khoảng 21.820 đồng/USD- tăng gần 1,9% so với cuối năm 2014. Đây có thể coi là mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm qua (năm 2012: giảm 1,9%, năm 2013: tăng 1,2%, năm 2014: tăng 1,7%).

Xét trên tổng thể, thị trường ngoại hối vẫn được hỗ trợ theo chiều hướng ổn định bởi các yếu tố dài hạn như định hướng điều hành nhất quán; cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ước đạt khoảng 2-3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm; lạm phát được duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, các yếu tố tác động trong ngắn hạn đã tạo ra sự khác biệt của thị trường, trong đó phải kể đến diễn biến đảo chiều nhanh chóng của cán cân thương mại khiến tâm lý thị trường xáo trộn, thay đổi và tạo ra bất ngờ nhất định cho chính cơ quan quản lý vào một số thời điểm. Theo các chuyên gia nghiên cứu, thị trường ngoại hối dự báo sẽ khá ổn định trong quý III, trước khi có thể xuất hiện những biến động mạnh hơn trong quý IV. Nhìn chung, tỷ giá sẽ diễn biến dao động phổ biến trong khoảng 21.800-21.890 đồng/USD.

Nhiều yếu tố hỗ trợ cho thị trường

Vai trò điều hành của NHNN và cán cân thanh toán tổng thể duy trì thặng dư được xem là hai yếu tố quan trọng nhất, hỗ trợ cho sự ổn định căn bản của thị trường ngoại hối những tháng cuối năm 2015.

Đối với hoạt động điều hành, thông điệp giữ ổn định thị trường ngoại hối theo đúng biên độ đã cam kết là 2% của NHNN đang được thực hiện xuyên suốt từ đầu năm đến nay. Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu BIDV, NHNN hoàn toàn có thể bán ra đến 5-6 tỷ USD, tương đương với mức thâm hụt cán cân thương mại trong tình huống kịch bản xấu. Vì vậy, nếu thị trường không xuất hiện đồng thời các cú sốc lớn như thâm hụt cán cân thương mại có thể nới rộng lên khoảng 1 tỷ USD/tháng; hay việc NHNN không tiếp tục gia hạn thông tư 43/TT-NHNN quy định về cho vay ngoại tệ trong năm 2016, sẽ tạo áp lực lên nhu cầu ngoại tệ để giảm dư nợ ngoại tệ trong những tháng cuối năm… thì nhiều khả năng mục tiêu điều hành tỷ giá trong năm nay của NHNN sẽ hoàn thành.

Đối với việc duy trì cán cân thanh toán tổng thể, dự báo có thể tiếp tục thặng dư thêm khoảng 3 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2015. Trong đó, cán cân thương mại với tình trạng nhập siêu dự báo sẽ tiếp tục duy trì nhưng mức thâm hụt sẽ chưa nới rộng thêm, xoay quanh khoảng 3-4 tỷ USD. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm nên kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ lạc quan hơn. Bên cạnh đó, các dòng vốn khác như FDI, FII, ODA, kiều hối … dự kiến vẫn khả quan với các yếu tố hỗ trợ như: các chính sách của Chính phủ có nhiều thay đổi theo hướng hỗ trợ thu hút các dòng vốn ngoại tệ; một số các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia được ký kết trong năm 2015 sẽ là yếu tố tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam; quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ hứa hẹn có thể tạo ra một sự dịch chuyển đáng kể của dòng vốn đầu tư từ Mỹ sang Việt Nam…

Theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, dự báo giải ngân FDI có thể đạt 6-7 tỷ USD, FII ròng vào khoảng 400 triệu USD, giải ngân ODA vào khoảng 3-4 tỷ USD.
Thùy Linh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận