Thanh Hoá triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra trong mùa hè nắng nóng, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các ngành chức năng triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng.Thủ tướng yêu cầu tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 647.437,2 ha diện tích rừng, là tỉnh có diện tích rừng lớn, đứng thứ 5 cả nước (sau tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Sơn La và Gia Lai). Trong đó, diện tích rừng tự nhiên 393.361,3 ha, rừng trồng 254.075,9 ha. Độ che phủ rừng đạt 53,75 % (diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ toàn tỉnh là 597.438,35 ha).

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đàm Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: Công tác bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của tỉnh Thanh Hóa. Do đó, ngay từ đầu năm Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp PCCCR trên địa bàn; đồng thời ban hành đầy đủ hệ thống văn bản để chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Thanh Hoá triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
Ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cùng lực lượng Kiểm lâm kiểm tra công tác PCCCR tại huyện Hà Trung. (Ảnh: Kiểm lâm Thanh Hóa).

Trong đó, trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; các Công điện số 31, 41, 43 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 8907/BNN-KL ngày 06/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; Công văn số 497/KL-PCCCR ngày 22/4/2024 của Cục Kiểm lâm về việc tăng cường công tác PCCCR trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm 2024; Công văn số 170/UBND-NN ngày 04/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo khác liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa còn tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng Phương án PCCCR tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 ban hành tại Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 07/01/2021; tham mưu triển khai thực hiện tốt Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư: Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 164-KH/TU ngày 11/9/2023; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 261/KH-UBND ngày 24/10/2023; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông ban hành Kế hoạch số 76/KH-SNN&PTNT ngày 13/11/2023. Trên cơ sở đó Chi cục Kiểm lâm đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-CCKL ngày 07/12/2023 để tổ chức thực hiện.

Đánh giá về công tác BVR, PCCCR trong mùa hè nắng nóng 2024, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa Đàm Văn Hùng cho hay: Trong 4 tháng đầu năm 2024 công tác PCCCR trên địa bàn được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm ở tất cả các cấp, các ngành, các chủ rừng; ban hành đầy đủ hệ thống phương án, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo công tác PCCCR; nguy cơ cháy rừng được kiểm soát chặt chẽ; các hành vi vi phạm quy định về PCCCR, gây cháy rừng cơ bản được kiểm soát và xử lý đúng quy định; đặc biệt đã lắp đặt được 11 Camera quan sát lửa rừng tại 5 huyện có diện tích rừng thông lớn, bao quát được diện tích rừng khoảng hơn 40.000 ha/75.000 ha rừng toàn khu vực.

Thanh Hoá triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
Lực lượng Công an, Kiểm lâm và Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác PCCCR. (Ảnh: Kiểm lâm Thanh Hóa).

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Tạ Tuấn Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Mùa nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn, chính vì thế, Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn đã duy trì việc thông báo cấp cháy rừng, phân công và chấp hành tốt công tác trực chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ; phân công cán bộ theo dõi hàng ngày thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống cảnh báo sớm của Cục Kiểm lâm; phối hợp với Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương, hộ nhận khoán tổ chức tuần tra, canh gác lửa rừng, kiểm soát người ra vào các khu rừng trọng điểm cháy trong những ngày, nắng nóng có nguy cơ cháy cao tại các khu vực trọng điểm.

"Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn cũng chỉ đạo các Trạm bám sát cơ sở, hướng dẫn, tổ chức quản lý các hộ gia đình, cá nhân xử lý thực bì trồng rừng, làm nương rẫy ở khu vực liền kề với rừng và thảm thực bì dễ cháy; thường xuyên tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở khu vực diễn ra Lễ hội, Đền, Chùa trong và ven rừng; tổ chức làm giảm vật liệu cháy, xây dựng mới hệ thống đường băng cản lửa ở các khu vực trọng điểm; quản lý, sử dụng, tu sửa hệ thống đường băng cản lửa khu vực rừng thông được quan tâm thực hiện" - ông Tạ Tuấn Sơn cho biết.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống cháy rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa xác định, một trong những biện pháp BVR, PCCCR là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trên cơn sở đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Văn phòng Tỉnh ủy, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật BVR, PCCCR.

Thanh Hoá triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVR, PCCCR. (Ảnh: Kiểm lâm Thanh Hóa).

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho thấy, trong 4 tháng đầu năm đã phối hợp tổ chức được 1.238 hội nghị tuyên truyền tại các thôn (bản) với 5.165 lượt người tham gia; tổ chức 02 cuộc diễn tập CCR cấp thôn tại xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân và thị trấn Hồi Xuân huyện Quan Hóa với hơn 400 người tham gia; tổ chức cho 1.200 hộ gia đình ký cam kết BVR, PCCCR ở khu vực trọng điểm về an ninh rừng, cháy rừng; thường xuyên tuyên tuyền, cảnh báo cháy rừng trên các cơ quan báo chí và trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, thôn (bản). Từ đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhận thức của người dân trong công tác PCCCR, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia BVR, PCCCR; từng bước nâng cao năng lực PCCCR cho cán bộ và nhân dân địa phương, nhằm ổn định tình hình an ninh rừng, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại về tài nguyên rừng do cháy rừng gây ra.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã tham mưu rà soát, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần từ cấp tỉnh đến huyện, xã và chủ rừng Nhà nước. Trong đó, cấp tỉnh trên 800 người, cấp huyện 3.734 người, cấp xã/chủ rừng 12.036 người, cấp thôn (bản) 40.596 người; 24.997 phương tiện các loại và 45.829 máy móc, thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng khác. Củng cố và duy trì hoạt động của 1.960 tổ đội quần chúng BVR, PCCCR ở các thôn (bản); 240 Đội thanh niên xung kích và 263 Trung đội dân quân tự vệ tại các xã, phường.

Triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Bước vào mùa nắng nóng, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trước tình hình đó, ngày 15/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang đã ký Văn bản 6747/UBND-NN gửi các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan rà soát, triển khai, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Trong đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các đơn vị liên quan, tiếp tục rà soát các biện pháp, giải pháp PCCCR đã được chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện trên địa bàn từng địa phương, đơn vị để tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCCCR.

Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp theo quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác PCCCR trên địa bàn; chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát về PCCCR, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Thanh Hoá triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
Lực lượng Kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa kiểm tra rừng. (Ảnh: Kiểm lâm Thanh Hóa).

Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; chủ động, kịp thời phát hiện điểm cháy để huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt đám cháy khi mới phát sinh, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn; đồng thời, chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm (nếu có) để xử lý nghiêm theo quy định. Trường hợp, địa phương, đơn vị để xảy ra cháy rừng, cháy lớn phải chỉ đạo, xem xét và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu, gắn với kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia PCCCR

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hoàng Minh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận