Tạo môi trường thuận lợi để hợp tác xã phát triển bền vững

Diễn đàn pháp lý Liên minh hợp tác xã (HTX) quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Tạo lập khung khổ pháp lý và chính sách thuận lợi để thúc đẩy phát triển bền vững khu vực HTX trong thế kỷ 21”, được tổ chức trong 2 ngày 17-18/4/2019 tại TP. Hồ Chí Minh, đã đưa ra nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay của mô hình HTX cần được khắc phục trong thời gian tới.

HTX - thành phần quan trọng của kinh tế Việt Nam

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đối với Việt Nam, kinh tế HTX là một trong những thành phần hết sức quan trọng của nền kinh tế.

\"tao
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn

Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, HTX ở Việt Nam hiện có những thay đổi rất tích cực sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. Tính đến năm 2018, cả nước có 22.456 HTX đang hoạt động, trong đó có 13.712 HTX nông nghiệp và tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đang chiếm gần 50%. Bình quân mỗi năm có khoảng 2.000-2.500 HTX ra đời với tốc độ, quy mô ngày càng lớn.

Dù vậy, Liên minh HTX Việt Nam cũng chỉ ra những tồn tại hiện nay cần sớm khắc phục như hạn chế về nguồn lực, chưa tiếp cận được nguồn vốn, đội ngũ lãnh đạo HTX thường là người già, một số cơ chế, chính sách chưa thực sự tạo điều kiện mở để HTX hội nhập…

\"tao
Gần 200 đại biểu tham dự diễn đàn

[WIDGET_VIDEO:::1085]

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khi chuyển sang kinh tế thị trường mô hình HTX của Việt Nam đã gặp lúng túng do nhiều cơ chế chưa phù hợp với tình hình mới. Hiện Chính phủ đang chuẩn bị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW nhằm chỉ rõ kết quả đạt được và nội dung còn hạn chế, rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định phương hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp cụ thể trong những năm tiếp theo.

Trong khuôn khổ sự kiện, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Lavifood cùng với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ đã ký kết hợp tác chiến lược 4 bên nhằm thu hút nguồn lực, hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao ngành rau củ quả định hướng thị trường quốc tế trên nền tảng logistics. Theo đó các bên sẽ đồng hành, thống nhất huy động các nguồn lực tài chính, thúc đẩy các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, nhà máy chế biến, hệ thống phân phối… trên nền tảng logistics tại 16 địa phương.

Tạo môi trường pháp lý cho HTX phát triển

Không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều nước trên thế giới có sự hiện diện của HTX. Vai trò của HTX nhằm tạo và phát triển việc làm bền vững, phát triển nguồn nhân lực, tăng tiết kiệm và đầu tư. Chẳng hạn Singapore hiện có 83 HTX, nắm giữ 18 tỷ USD tổng tài sản của đất nước này. Các HTX hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực từ tiêu dùng - dịch vụ, tài chính cho tới trường học. Còn ở Papua New Guinea có tới 6.000 HTX và hơn một nửa số HTX là nông nghiệp…

Tham dự diễn đàn, đại biểu các nước cũng nêu những tồn tại trong pháp lý đang được khắc phục để HTX phát triển bền vững. Cụ thể, tại Nhật Bản sự phát triển của HTX còn phụ thuộc vào từng lĩnh vực vì lý do lịch sử để lại. Ví dụ Luật HTX tiêu dùng được xem là không thân thiện bởi áp lực từ những nhà bán lẻ nhỏ những người luôn kêu ca về những quy định ngặt nghèo khi kinh doanh với người không phải là thành viên HTX. Hay ở Mông Cổ, khung khổ pháp lý có những hạn chế đối với phát triển HTX do nhiều rào cản khác nhau và bị ảnh hưởng bởi luật của Canada, Đức…

Với những hạn chế mà một số quốc gia gặp phải, đại biểu đến từ Nepal, Nhật Bản, Singapore… đã chia sẻ những thay đổi trong chính sách mà nước này áp dụng cho HTX.

Theo ông Deric Soh - Trợ lý phụ trách đăng ký của Cơ quan đăng ký HTX Singapore - cho biết, Luật HTX sửa đổi đã được Quốc hội nước này thông qua vào tháng 1/2018 và có hiệu lực từ 10/4/2018. Luật này đã quy định giảm mức thành viên tối thiểu từ 10 xuống 5; Giảm giới hạn tuổi của Ban quản trị từ 21 xuống 18…

Trong khi đó ở Nhật Bản quy định, tỷ lệ chia lãi cổ phần được hạn chế từ 7-10% trong khi ưu tiên dành tái đầu tư và không phải trả thuế. Còn ở Nepal đã công bố Chính sách hợp tác quốc gia 2012 cho sự phát triển toàn diện của khu vực HTX. Hiến pháp của Nepal năm 2015 đã công nhận khu vực HTX là một trong những trụ cột kinh tế cùng với khu vực công và tư nhân. Chính phủ Nepal coi HTX là đối tác tiềm năng để giải quyết các mục tiêu thiên niên kỷ…

Bà Kaore Abe - Cán bộ chương trình phụ trách hợp tác và huy động nguồn lực, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) châu Á - Thái Bình Dương: Để hỗ trợ HTX phát triển, FAO sẽ tạo điều kiện cho sự tham gia tích cực của các HTX trong các quy trình của nhiều bên liên quan cũng như các diễn đàn chính sách và ra quyết định, ở cấp độ toàn cầu; FAO cũng đưa ra các chương trình hợp tác kỹ thuật nhằm hỗ trợ cải cách luật pháp quốc gia cho các HTX nông nghiệp và tổ chức của những nhà sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh HTX hiện đại, tạo môi trường thuận lợi cho nông dân gia đình quy mô nhỏ phát triển mạnh.
Mai Ca - Thanh Minh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận