“Táo khuyết” và bài học “xài chùa” thương hiệu

Đầu tháng 4/2017, giới kinh doanh điện thoại Iphone và những tín đồ của “quả táo khuyết” bị bất ngờ trước thông tin đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam chính thức gửi đi thông báo về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các cửa hàng bán lẻ trong nước.
\"\"
Ảnh minh họa

Trong “Thư thông báo và khuyến cáo” từ Công ty luật Võ Trần - đại diện pháp lý bảo vệ quyền SHTT tại Việt Nam của Apple - đề cập đến việc các cửa hàng sử dụng biểu tượng “quả táo cắn dở”, tên gọi “Apple”, “iPhone” và những tên gọi khác như “Apple Store”, “App Store”, “iPad”, “iPod, “MacBook” hiện được bảo hộ tại Việt Nam. Văn bản chỉ rõ, “dựa theo luật SHTT, việc sử dụng bất kỳ nhãn hiệu nào của Công ty Apple trên biển hiệu của cửa hàng hoặc trên các giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh mà không được sự đồng ý của Công ty Apple đều là hành vi sử dụng bất hợp pháp, xâm phạm quyền SHTT”. Đại diện pháp lý của Apple cũng yêu cầu các cửa hàng nhận được văn bản trong thời hạn 7 ngày phải chấm dứt việc sử dụng bất hợp pháp các nhãn hiệu của Apple trên biển hiệu của cửa hàng, và trên các giấy tờ, phương tiện kinh doanh.

Xài “chùa” thương hiệu vốn là chuyện thường ngày, diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia đang phát triển bởi lợi nhuận lớn, tâm lý của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng thích dùng hàng giá rẻ nhưng có thương hiệu.

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai 48 cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc, phát hiện các cơ sở vi phạm chủ yếu về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh với tổng số tiền xử phạt trên 1,4 tỷ đồng, buộc tiêu hủy và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 205.444 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, giả mạo nhãn hiệu. Tuy nhiên, con số này được xem là rất nhỏ so với thực tế xâm phạm SHTT đang diễn ra tràn lan hiện nay.

Được biết, sau thông báo của đại diện pháp lý Apple, để tránh bị kiện, nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đã dỡ bỏ logo, biểu tượng, nhãn hiệu liên quan đến các tên gọi và hình ảnh sản phẩm của hãng.

Động thái mạnh tay của Apple về việc không cho phép các cửa hàng nhỏ lẻ sử dụng logo, nhãn hiệu, biểu tượng nhận diện thương hiệu cho thấy, khi bước vào sân chơi hội nhập toàn cầu, mọi người dân đều phải tuân thủ “luật chơi”.

Duy Minh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận