Theo tính toán của VEPR, hiện tượng sụt giảm trong tăng trưởng GDP các quý trong năm 2019 sẽ không xảy ra như mọi năm mà thay vào đó là sự tăng dần đều ở quy mô khá cao trong khi quý IV sẽ đạt đỉnh. Cụ thể, tăng trưởng GDP trong quý I là 6,61%, quý II 6,72%, quý III 7,01% còn quý IV là 7,12%. Kịch bản GDP của cả năm dự kiến là 6,9%, cao hơn mục tiêu của kỳ họp cuối năm 2018 là 6,6 - 6,8%.
![]() |
VEPR cũng nêu nhận định, hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội \"lớn và hiếm hoi\" trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất. \"Tuy nhiên, để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước\" - TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nêu quan điểm.
Vấn đề lớn nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam cần giải quyết nằm ở chính sách tài khóa. Biểu hiện cụ thể là bức tranh nợ công ít được cải thiện; quy mô nợ công lớn và sát ngưỡng cho phép (65% GDP) khiến gánh nặng chi trả nợ lãi ngày càng cao.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần điều hành tỷ giá một cách linh hoạt theo hướng thích ứng các cú sốc từ bên ngoài, đồng thời cần điều tiết và giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao sức khỏe của hệ thống tài chính. Cần đặc biệt lưu ý giám sát chặt tín dụng tiêu dùng bởi rất có thể sẽ trở thành gánh nặng khó chi trả của các hộ gia đình khi nền kinh tế gặp phải các cú sốc. Mức độ tăng trưởng cung tiền cần khống chế trong khoảng 12%/năm để có thêm dư địa chính sách tiền tệ ứng phó với những cú sốc từ bên ngoài. Phân tích những động lực tăng trưởng của năm 2019 có thể được thừa hưởng từ năm 2018, nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý đến 3 yếu tố ít được nhắc đến tại các diễn đàn kinh tế gần đây. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân trong năm vừa qua có nhiều bước phát triển tích cực đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hầu hết đều đầu tư rất nhiều vào bất động sản, nhưng hiện nay họ đã đầu tư sang công nghệ, công nghiệp, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác. Đây là tín hiệu đáng được hoan nghênh của nền kinh tế.