Khu vực kinh tế tư nhân căng sức chống chọi với đại dịch
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam (CPSD) cho thấy trong khi khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. Tiềm năng của khu vực này cần được tiếp tục khai thác mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất để Việt Nam có thể đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, khi Việt Nam đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo thì phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 mà hậu quả để lại cho khu vực DN những khó khăn, thách thức không hề nhỏ.
![]() |
Các gói hỗ trợ lãi suất được kỳ vọng sẽ cứu DN thoát khỏi bờ vực của nợ nần, giải thể và phá sản do ảnh hưởng dịch bệnh |
Thực tế cho thấy, sau nhiều tháng liền chống chọi với những khó khăn do dịch bệnh, “đuối sức” là điều mà hầu hết các DN đều cảm nhận rõ lúc này. Báo cáo khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đối với hơn 21.500 DN thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều thành phần kinh tế vào tháng 8/2021 vừa qua cho thấy, có tới 69% DN tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch, 15% DN giải thể, ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể và chỉ có 16% DN cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất. Có 46% trong số này cho biết, dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng.
Bà Kim See Lim - Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC - cho biết: Khu vực tư nhân mới nổi và năng động của Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu trong đại dịch Covid-19, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia đạt được tăng trưởng dương trong năm 2020. Tuy nhiên, với làn sóng Covid-19 hiện nay, Việt Nam càng nhất thiết phải thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động, đa dạng, và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm.
"Vì thế việc chuyển dịch theo hướng chú trọng đầu tư tư nhân, hiệu quả và hiệu suất cao là vô cùng cần thiết để hồi phục, duy trì sự phát triển kinh tế cho Việt Nam. Để đạt được điều này, cần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân bằng cách giảm bớt rào cản về gia nhập thị trường và cạnh tranh, cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa sang các ngành thâm dụng tri thức, giải quyết thiếu hụt về kỹ năng, và đẩy mạnh số hóa trong nhiều ngành", bà Kim See Lim nhấn mạnh.
Tăng cơ hội tiếp cận chính sách hỗ trợ cho DN
Trước những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch DN không thể tự mình lèo lái, chống đỡ thì việc “tiếp sức” từ phía Nhà nước bằng những chính sách cụ thể, thiết thực là vô cùng cần thiết.
Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quốc gia Công ty Tài chính quốc tế (IFC) phụ trách Việt Nam, Campuchia, và Lào - cho biết: Đại dịch Covid-19 càng khiến việc giải quyết những thách thức đối với sự phát triển của khu vực DN tư nhân trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết nhằm tìm kiếm các giải pháp hợp tác công - tư để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nguồn lực của chính phủ, vốn hạn chế, đã được ưu tiên cho chăm sóc y tế và hỗ trợ sinh kế cho người dân trong đại dịch.
Đánh giá của Ban Ban IV cho rằng DN mong muốn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho DN vay với lãi suất 1 - 3%/năm để trả lương và giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân cùng với việc hoãn nộp một số khoản thuế trong khoảng thời gian từ 12 - 18 tháng. Giảm thuế có thể xem là một hành động đồng hành của Nhà nước với DN, giúp DN có thêm dòng tiền để tích lũy, mở rộng đầu tư trong nước, duy trì được cầu đầu vào về nguyên, nhiên liệu, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có thể giúp DN nhỏ, hoặc DN trong chuỗi cung ứng có thêm cơ hội phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn.
Bên cạnh đó, phải hỗ trợ đúng và trúng đối tượng bởi những vùng, những lĩnh vực không bị tác động bởi đại dịch, thậm chí còn được hưởng lợi như ngành nghề thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, sản xuất khẩu trang, thiết bị, vật tư y tế… Do vậy, cần bóc tách đối tượng được hưởng, cùng một lượng tiền như nhau nhưng cho những đối tượng bị tác động được nhận nhiều tiền hơn.
"Ở tầm dài hạn hơn, Việt Nam cần tiếp tục cải cách cơ cấu và pháp luật mạnh mẽ hơn nữa để tạo nền tảng vững chắc hơn cho cạnh tranh và đổi mới trong nền kinh tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của khu vực tư nhân. Chương trình cải cách cần tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa tất cả các DN, thúc đẩy cơ hội tiếp cận tài chính cho DN vừa và nhỏ, mở rộng nguồn vốn dài hạn", bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho hay.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)