Tân sinh viên trong “cơn sốt” tìm nhà trọ

“Cơn sốt” nhà trọ cho tân sinh viên chưa bao giờ nguội. Nhận được giấy báo nhập học cũng là khoảng thời gian các tân sinh viên tập kết ở ngôi trường mới để ổn định nơi ăn chốn ở, sẵn sàng cho việc học. Tuy nhiên, tìm được một căn phòng ưng ý trước thềm năm học mới không phải là điều dễ dàng.
\"\"
Khu ký túc xá

Không dễ được ở ký túc xá   

Chỉ 215 ngàn đồng/người/tháng, mỗi phòng rộng 25m2 cho 6 người. Khu ký túc xá (KTX) Mỹ Đình 2 gồm ba tòa nhà 21 tầng đáp ứng hơn 7.300 chỗ ở cho sinh viên, tương ứng với hơn 1.200 phòng. Tại đây có hai nhóm phòng là phòng điều hòa (hiện đã hết phòng) và phòng không điều hòa. Khu KTX này đang có sức hút lớn không chỉ đối với các tân sinh viên mà đối với cả các bạn sinh viên năm 3, năm 4 do vị trí nằm gần khu vực tập trung của nhiều trường đại học như: Thương mại, Sư phạm, Quốc gia Hà Nội,… phương tiện đi lại của sinh viên chủ yếu là xe buýt cũng khá thuận tiện.

Theo bạn Thúy Hà học ngôn ngữ Đức tại Đại học Ngoại ngữ cho biết: “Ở KTX khá thoải mái, thủ tục đăng ký cũng khá đơn giản. Tuy nhiên, phải chờ xét tuyển xong cho sinh viên năm nhất thì ban quản lý mới xét đến các sinh viên năm trước nên phải chờ đợi khá lâu”.

KTX là nơi trọ lý tưởng đối với sinh viên nhưng để “kiếm” được một suất an cư tại đây quả thật không hề dễ dàng, vì thế, tìm phòng trọ ở ngoài là giải pháp mà nhiều sinh viên lựa chọn. Tuy nhiên, việc tìm một phòng trọ phù hợp với số tiền mà bố mẹ chu cấp mà vẫn đảm bảo vệ sinh, an ninh thì thật rất khó. Những khu nhà trọ giá rẻ, dao động từ 700-900 ngàn/phòng nhưng phải dùng chung nhà tắm nên khá bất tiện. Tuy vậy, nhiều sinh viên không đủ tiền thuê nhà giá cao nên phải chấp nhận đi học xa, thuê phòng ở ngoại thành hay chấp nhận ở những nơi an ninh kém, nhà vệ sinh chung.

\"\"
Phòng trọ ở phố Trần Cung

Bạn Nguyễn Khánh Hòa (sinh viên năm 4, Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) cho biết: “Mình trọ ở khu vực Trần Duy Hưng, ở đây có khá nhiều khu chung cư mini, nhiều nhà trọ vì khu vực này có 5 trường đại học. Theo chu kỳ nhu cầu tăng cao vào thời điểm sinh viên nhập học nên giá phòng ở đây, hiện nay sẽ rất khó giảm”.

Bạn Nguyễn Văn Nghị (Thọ Xuân - Thanh Hóa) tân sinh viên Trường Lao động Xã hội cho biết: “Các phòng trọ xung quanh Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh dao động từ 1,8-2,5 triệu đồng/phòng, chưa kể điện nước, mạng Internet. Đắn đo mãi sau gần một tuần tìm kiếm cùng chị gái thì mình quyết định thuê phòng ở Trần Cung - Cổ Nhuế, phòng này gần cánh đồng rau, đối diện là công viên Hòa Bình. Tuy đi học xa gần 7 cây số nhưng giá phòng mềm hơn dao động từ 1,2-1,8 triệu đồng.

Lo vướng “bẫy” môi giới

Nguyễn Thị Luyến (quê Thanh Hóa) và bạn Vì Hồng Nhung (quê Sơn La) cùng là sinh viên của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội đã phải mất tiền oan cho môi giới khi đi tìm nhà trọ. Theo thông tin từ tờ A4 cho thuê nhà trọ, hai bạn đã đến khu vực Thành Công để xem nhà và quyết định thuê với giá 1 triệu. “Lúc đó, chúng tôi cứ tưởng người đó là chủ nhà, sau khi ký hợp đồng xong tôi mới biết người dẫn chúng tôi đến là môi giới, cô ấy đòi tôi một tháng tiền phòng. Với sinh viên chân ướt từ tỉnh lên 1 triệu không phải là con số nhỏ nhưng biết làm sao, họ ép quá nên mình phải trả” - Luyến bộc bạch.

Khó khăn của các tân sinh viên chủ yếu là chưa biết đường, chưa biết cách tìm phòng giá rẻ, nhiều trường hợp chủ nhà bắt ký hợp đồng 6 tháng đến một năm hay đóng tiền theo quý, đặt cọc... thậm chí có sinh viên còn bị vướng vào “bẫy” của môi giới, mất tiền xem nhà mà không thuê được... Vì vậy trước khi ký hợp đồng, sinh viên cần tìm hiểu kỹ giá phòng, điện nước, đóng tiền theo tháng hay theo quý, và tốt nhất nên tham khảo giá cả từ các anh chị đi trước.

Nguyễn Luyến
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận