Trái với suy nghĩ “phụ nữ DTTS sống ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa thường ít nói, không cởi mở và thiếu tự tin” - những phụ nữ khởi nghiệp thành công mà tôi gặp lại khác hẳn. Dù là người dân tộc Mông, Tày, Nùng, Thái, Mường hay Dao… thì đều có một điểm chung, đó là chị em rất năng động, quyết đoán và tự tin với công việc mà họ đang theo đuổi. Khởi nghiệp của chị em đơn giản có thể chỉ là gìn giữ và phát triển nghề truyền thống nhiều đời của cha ông đang có nguy cơ bị mai một, như: Chị Lang Thị Hoa (người Mường ở bản Diềm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) với sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ tiêu dùng từ mây, tre; hay chị Sầm Thị Tình (người Thái, bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) với sản phẩm thổ cẩm người Thái.
![]() |
Phụ nữ Dao giới thiệu với khách nước ngoài sản phẩm của các hợp tác xã khởi nghiệp ở Lào Cai |
Khởi nghiệp cũng có thể được chị em bắt đầu bằng việc xây dựng thương hiệu, bao bì, đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị cho các loại cây, củ quả mà bà con trong thôn, bản đang trồng. Đây cũng chính là câu chuyện khởi nghiệp của chị Trương Thị Thủy (người Mường, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) với sản phẩm màng hạt gấc đóng túi, đông lạnh, ớt tươi; chị Nguyễn Thị Cẩm Ly (dân tộc Tày ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) với sản phẩm cam sành Hàm Yên; chị Lục Thị Thanh Huyền (người Nùng ở Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) với các sản phẩm dây thìa canh đóng túi, bột đắp, mặt nạ, trà túi lọc giảo cổ lam; chị Lý Thị Quyên (người Dao, thôn Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) với sản phẩm chuối sấy; chị Bế Lan Anh (người Tày, thôn Bình Chương 1, xã Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) với đặc sản bún ngô, bún gạo bao thai hồng, gạo lứt huyết rồng, chị Lưu Thị Hòa (Đồng Văn – Hà Giang) với Dự án Farmstay – Nông nghiệp bền vững cho đồng bào DTTS Đồng Văn …
Mạnh dạn, sáng tạo hơn, nhiều chị em còn bắt tay vào khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của quê hương để thực hiện các dự án du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Cụ thể như trường hợp chị Tòng Thị Nguyên và Hoàng Thị Hồng Quyên (Sơn La) với dự án “Du lịch trải nghiệm văn hóa Việt – Lào”; chị Nguyễn Thị Toan (người Mường ở thôn Suối Cỏ, xã Hòa Hợp, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) với các sản phẩm từ giấy dó và du lịch trải nghiệm; chị Hoàng Thị Dung (Sơn La) với Dịch vụ trải nghiệm tại khu du lịch cộng đồng bản Bon; chị Lý Thị Quyên (Bắc Kạn) với Dự án Du lịch sinh thái kết hợp tiêu thụ nông sản địa phương…
Cho dù khởi nghiệp ở lĩnh vực nào thì chị em cũng đều phải rất cố gắng bởi đa phần chị em đều sinh ra và lớn lên ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, cơ hội tiếp xúc với thông tin, kiến thức khoa học chưa nhiều; vốn liếng hạn chế. Bản thân cha mẹ, anh em, chồng của các chị - nhiều người cũng chưa quen với việc phụ nữ ra ngoài xã hội giao tiếp, lo toan công việc của tập thể, nay đây mai đó để tìm đối tác, bạn hàng… Chính vì vậy, có thể nói, để khởi nghiệp thành công – phụ nữ DTTS phải nỗ lực gấp đôi. Từ việc vượt qua những định kiến của bản làng, đến việc vận động bà con sản xuất theo phương thức mới, tìm kiếm thị trường cho những sản phẩm còn mới mẻ… Cũng chính bởi trở ngại như vậy nên những người phụ nữ DTTS khởi nghiệp thành công nhận được rất nhiều sự trân trọng, quý mến, nể phục của bản làng. Bởi thành công của các chị hôm nay, cũng chính là hoa thơm, quả ngọt của cả quá trình phấn đấu nhiều gian nan. Khởi nghiệp của các chị không những mang lại cho bà con cách nhìn nhận tiến bộ hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mà hơn thế còn tạo công ăn việc làm, sự gắn bó đoàn kết cho nhiều người trong thôn bản. Các chị chính là những đóa hoa đang lặng lẽ tỏa hương, đóng góp tích cực vào việc xây dựng thôn bản ấm no, lành mạnh.