Phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp, có thể hiểu đơn giản là phải có chiến lược quản trị doanh nghiệp phát triển thích ứng được với mọi hoàn cảnh, dựa trên cơ sở đảm bảo hài hòa được các lợi ích về kinh tế (lợi nhuận, doanh thu) với lợi ích của người lao động và bảo vệ môi trường. Không ít doanh nghiệp, nhờ có chiến lược quản trị theo xu hướng phát triển bền vững, đã duy trì được hoạt động trong khi đại dịch hoành hành và đang tiếp tục từng bước hồi phục phát triển.
Bà Đoàn Thị Mai Hương - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), chia sẻ: Đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nặng nề tới ngành hàng không, hành khách suy giảm mạnh, rủi ro dịch bệnh lây lan tới doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, SASCO đã kịp thời chuyển trạng thái mục tiêu kinh doanh. SASCO xác định tài sản quý giá nhất của mình để tạo lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đó chính là nguồn nhân lực. Theo đó, SASCO đã điều chỉnh giảm mức độ ưu tiên về doanh thu xuống dưới cấp độ ưu tiên bảo toàn nguồn vốn con người. Trên cơ sở đó, SASCO đã thực hiện các biện pháp kịp thời phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người lao động và khách hàng. Nhờ vậy, SASCO vẫn duy trì được đội ngũ nhân lực để hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động khó khăn, đồng thời đang tiếp tục hồi phục phát triển.
![]() |
Ông Đỗ Thái Vương - Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Đối ngoại, Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam, cho biết: Để phát triển bền vững, Unilever đã tập trung vào 3 chủ đề lớn trong chiến lược kinh doanh: Góp phần cải thiện “sức khỏe” hành tinh (sản xuất không rác thải, tái tạo thiên nhiên, bảo vệ môi trường…); cải thiện sức khỏe, sự tự tin, hạnh phúc của mọi người (chú trọng chăm lo đời sống người lao động, bình đẳng giới, tích cực hoạt động an sinh xã hội…); đóng góp vào thế giới công bằng, hòa nhập xã hội hơn (hỗ trợ giáo dục, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và lợi ích phát triển…). Nhờ thực hiện tốt các trụ cột nêu trên, trong đại dịch khó khăn, hoạt động đầu tư, kinh doanh của Unilever vẫn không bị chậm lại và đang tiếp tục phát triển.
Ở góc độ chuyên gia, tiến sỹ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng: Đại dịch Covid-19 đã tàn phá rất lớn đời sống kinh tế, xã hội…, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết ở cả cấp độ toàn cầu, quốc gia và doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, phục hồi phát triển trong bối cảnh mới, là một đòi hỏi cấp thiết, bên cạnh những yếu tố cần thiết khác, thì câu chuyện về quản trị sẽ mang tính quyết định đối với phát triển của doanh nghiệp.
![]() |
Theo tiến sỹ Võ Trí Thành, thực tiến đã cho thấy, phát triển bền vững là những vấn đề mang tính nền tảng căn bản trong bất kỳ tình huống, môi trường sản xuất, kinh doanh nào, dù bình thường hay khi xảy ra khủng hoảng, nếu thực hiện tốt các yêu cầu về phát triển bền vững, đều có thể đem lại các giá trị tốt cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Đại diện VCCI/VBCSD, cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững, ứng phó với các thách thức, rủi ro, khủng hoảng, VCCI/VBCSD trong những năm vừa qua đã xây dựng bộ chỉ số về phát triển doanh nghiệp bền vững (CSI) và phổ biến, lan tỏa, được cả doanh nghiệp và Chính phủ đánh giá cao. CSI với các tiêu chí được xây dựng dựa trên các trụ cột về phát triển bền vững (hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội, môi trường) phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Bộ chỉ số CSI giúp các DN quản trị tốt được 3 nguồn vốn trong quá trình phát triển, đó là nguồn vốn tài chính, vốn xã hội và vốn tự nhiên. Áp dụng CSI, các DN không chỉ tuân thủ tốt pháp luật trong nước và các thông lệ quốc tế, mà còn phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, chăm lo tốt hơn cho người lao động, có trách nhiệm với xã hội hơn, quản trị rủi ro tốt hơn trước các cuộc khủng hoảng xảy ra.
Số liệu khảo sát của VCCI/VBCSD trong 3 năm qua (20219-2021), cho thấy, doanh nghiệp nào áp dụng bộ chỉ số CSI vào quản trị, đều có triển vọng tăng doanh thu, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định nguồn lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, các doanh nghiệp áp dụng CSI đều thể hiện được sức chống chịu trước thách thức, khó khăn tốt hơn, duy trì được chuỗi cung ứng, duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh và có khả năng hồi phục phát triển nhanh hơn.