Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được chính quyền các cấp và người dân huyện Chi Lăng quan tâm, triển khai quyết liệt gắn với đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất mới. Việc triển khai thực hiện quyết liệt chương trình đã có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội, đời sống bà con các dân tộc trên địa bàn.

Tính đến hết năm 2019, toàn huyện Chi Lăng có trên 10.808 héc-ta diện tích gieo trồng, giá trị kinh tế từ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 1.590 tỷ đồng (tăng 3,5% so với năm 2018)… Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, huyện Chi Lăng đã chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ về tái cơ cấu nông nghiệp. Ðồng thời, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Huyện đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/HU về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới huyện ủy Chi Lăng giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Nhận thức được tầm quan trọng của yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, cán bộ đảng viên và nhân dân đã thực sự quan tâm và tham gia tích cực. Vì vậy, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá. Đặc biệt, trong phát triển các loại cây ăn quả, phát triển lâm nghiệp. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; nhận thức, tư duy của nhân dân về đổi mới tổ chức sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch theo hướng hàng hóa được nâng cao.

tai co cau nong nghiep gan voi xay dung nong thon moi
Cây na mang lại thu nhập cao cho người dân Chi Lăng

Theo đó, một số vùng sản xuất tập trung đã được hình thành nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Đã xây dựng và phát triển được các vùng sản xuất nông nghiệp có thế mạnh tập trung: Vùng nguyên liệu thuốc lá với quy mô gần 800 héc-ta; vùng lạc với quy mô 500 héc-ta trở lên; vùng ớt (năm 2019, diện tích cây ớt đạt trên 500 héc-ta), áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đưa các giống năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; vùng na với quy mô 1.650 héc-ta trở lên; vùng hồi với quy mô 1.400 héc-ta trở lên; vùng thông với quy mô trên 12.000 héc-ta; vùng keo, bạch đàn với quy mô trên 14.000 héc-ta, vận động người dân đầu tư thâm canh, chăm sóc để rừng phát triển tốt. Một số xã, thị trấn đã tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng với các hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến...

Ông Vi Nông Trường – Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, mục tiêu tổng quát địa phương vẫn đặt trọng tâm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tái cơ cấu huyện xác định, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cần bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, của ngành nông nghiệp. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người nông dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, tập trung cao nội dung, giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; liên kết hóa trong sản xuất, doanh nghiệp hóa sản phẩm và xã hội hóa đầu tư. Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục chuyển nhượng, thuê, góp đất nông nghiệp, vận động người dân “dồn điền, đổi thửa” khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào các hoạt động khoa học công nghệ. Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất; rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác hiện có, tuyên truyền và khuyến khích thành lập mới hợp tác xã, các tổ đội sản xuất trong các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi...

Quang - Tiệp
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận