Chủ động chế biến, Sơn La giảm áp lực tiêu thụ nhãn tươiXuất khẩu nhãn Sơn La sang EU và Vương quốc Anh |
Tiêu thụ hết nông sản cho bà con
Sơn La hiện có 78.800 ha cây ăn quả và cây sơn tra, trong đó 17.500 ha cây trồng đã áp dụng các quy trình sản xuất an toàn; hơn 4.700 ha cây ăn quả các loại được cấp 181 mã số vùng trồng; 9 sản phẩm quả mang thương hiệu Sơn La được cấp văn bằng bảo hộ. Niên vụ 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ nông sản, nhất là hoa quả tươi gặp nhiều khó khăn.
![]() |
Mận ruby Sơn La cho giá trị cao |
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Sở Công Thương Sơn La đã theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động mua bán nông sản, như: Tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản tỉnh năm 2021; tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời phối hợp với Công ty Miafruit xây dựng thương hiệu, truyền thông về mận Ruby Sơn La. Sản phẩm xoài, mận Sơn La đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart. Việc tiêu thụ nông sản được theo dõi cập nhật thông tin hàng ngày...
Bằng cách làm bài bản, đa dạng giải pháp tiêu thụ, tính đến hết tháng 7, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ, kết nối tiêu thụ được hết sản lượng xoài, thanh long, nhãn, mận hậu... đến kỳ thu hoạch. Đặc biệt, giá trị nông sản, thực phẩm xuất khẩu 9 tháng năm 2021 ước đạt trên 102 triệu USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ. Các sản phẩm có sản lượng lớn như xoài đã xuất khẩu trên 14.300 tấn, nhãn trên 3.500 tấn, chuối trên 4.500 tấn... Đặc biệt, năm nay sản phẩm long nhãn đã xuất khẩu sang nhiều nước như: Đức, Anh, Ba Lan, Hà Lan, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn), cho biết: Vụ xoài năm nay, HTX có 60 ha, sản lượng trên 350 tấn đã xuất bán hết với giá trung bình 5.000 đồng/kg; nhãn 20 ha, sản lượng khoảng 200 tấn, đã tiêu thụ cho tư thương và xuất bán cho các lò làm long nhãn, với giá trung bình 7.000 đồng/kg, còn 20 ha bưởi, với sản lượng 150 tấn chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, giá bán hoa quả năm nay thấp hơn so với năm trước, đặc biệt là xoài, thu chỉ đủ tiền đầu tư, không có lãi nhưng cũng là mức giá chấp nhận được trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh khó khăn này.
Giá trị nhiều sản phẩm ở mức cao
Đáng chú ý, năm 2021 là năm đầu tiên Sơn La xây dựng thương hiệu cho trái mận hậu Ruby. Theo đó, UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp với Công ty Mia Fruit trong việc phối hợp quảng bá xúc tiến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Bằng cách làm bài bản, từ sản xuất đến quảng bá và kinh doanh, năm nay, Mận Hậu Ruby có giá bán trong nước 230.000-300.000 đồng mỗi kg và giá bán tại Singapore, Malaysia xấp xỉ 400.000 đồng mỗi kg. Cùng với quả mận, các loại trái cây khác như Hồng giòn Fuji, Na dai Nữ Hoàng và Dâu Rẻ Quạt Mộc Châu cũng đã lên kệ bán ở hệ thống cao cấp với giá lần lượt khoảng 180.000 đồng, 280.000 đồng và 780.000 đồng mỗi kg. Trái cây Sơn La cũng vừa tham dự triển lãm hội chợ Macfrut lớn nhất tại Italy.
Sau thành công của các loại trái cây kể trên, nhằm gia tăng đầu ra và nâng cao giá trị các loại trái cây đặc sản, UBND tỉnh sẽ phối hợp với doanh nghiệp cùng xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây khác của tỉnh Sơn La.
Trước mắt, trong năm 2022, tỉnh sẽ xây dựng định hướng chiến lược cho các loại cây ăn quả của Sơn La để xuất khẩu sang châu Âu.
Đối với Sơn La, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định đây là địa phương trọng điểm ở phía Bắc để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mới đây Bộ đã đồng ý chủ trương phối hợp với Sơn La xây dựng vùng nguyên liệu nông sản gắn với nhà máy chế biến. Trong vùng nguyên liệu này sẽ xây dựng một số kho bảo quản lạnh để đảm bảo sơ chế và giữ lạnh trong thời gian ngắn.
Trước những khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, tỉnh Sơn La cũng xác định với diện tích hiện có gần 90.000 ha cây ăn quả, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện rải vụ cho từng loại nông sản; tập trung cho chế biến sâu, sản xuất những mặt hàng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cao; sản xuất theo đơn hàng và đổi mới quy trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng giá trị cao nhất. Chi Cục trồng trọt Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La sẽ xây dựng các mô hình về ứng dụng công nghệ cao, để làm sao tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả tập trung. Áp dụng mô hình này, nông sản sẽ có sản lượng và chất lượng tốt, đáp ứng được các nhu cầu của thị trường.