![]() |
Nhiều diện tích trồng hoa trên địa bàn Thừa Thiên Huế bị ngập lụt, mất trắng |
Theo báo cáo từ tỉnh Thừa Thiên Huế, đợt mưa lũ vừa qua đã làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hầu hết mạ đã gieo, giống ngâm ủ phục vụ 3.000ha giống lúa dài ngày bị thiệt hại 100%; hơn 900ha rau màu các loại hư hỏng hoàn toàn; hơn 26ha và 1.300 chậu hoa trồng phục vụ Tết bị ảnh hưởng. Mưa lũ cũng đã làm hệ thống đê bao và kênh mương thủy lợi bị vỡ nhiều đoạn và hư hại nặng... Ước tổng thiệt hại do các đợt mưa lũ gây ra đối với Thừa Thiên Huế là 357 tỷ đồng, đặc biệt do mưa lũ nên vụ Đông - Xuân bị chậm lịch thời vụ. Qua đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 1.000 tấn gạo cho nhân dân vùng bị ngập lụt và 250 tấn lúa giống, 10 tấn ngô giống, 5 tấn giống rau đậu các loại… để kịp thời phục vụ gieo cấy vụ Đông - Xuân.
Ghi nhận các ý kiến đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế, đoàn công tác đề nghị tỉnh khẩn trương triển khai khôi phục sản xuất nông nghiệp như: cần chủ động ứng giống của Công ty giống cây trồng và vật nuôi, cần đề xuất hỗ trợ cụ thể các loại giống lúa, ngô và các loại giống rau… kịp thời phục vụ Tết. Ngoài ra, tỉnh cần chú ý hướng dẫn xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản sau lũ lụt để tránh thiệt hại cho việc nuôi trồng tiếp theo…
Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Cục trưởng - Cục Phòng chống thiên tai cho biết: Công tác để chuẩn bị cho việc khôi phục sản xuất thì Thừa Thiên Huế làm rất tốt. Tuy nhiên, trước hết phải khôi phục bờ vùng bờ thửa hay những đoạn đê bao để chuẩn bị sẵn sàng phương án trạm bơm điện để khi có thể là tiêu nước ngay, chuẩn bị phương án làm đất, nguồn giống. \"Sự tham gia của người dân và chính quyền địa phương là hết sức cần thiết, bởi nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của trung ương thì sẽ ảnh hưởng đến thời vụ\", ông Quang cho biết thêm.